Quan điểm nêu trên được ông Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA, một trong những chuyên gia hàng đầu về thành phố thông minh (Smart City) và chuyển đổi số của Việt Nam chia sẻ tại hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022 được VINASA tổ chức mới đây.

Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam 2022 được VINASA tổ chức trong 2 ngày 1 - 2/12 vừa qua.

Theo vị chuyên gia này, những nhận thức mới về cách mạng 4.0 và chuyển đổi số đã làm thay đổi sâu sắc khái niệm đô thị thông minh: “Xây dựng đô thị thông minh không phải là xây dựng đô thị số thay cho đô thị thực, mà là dùng công nghệ số để thông minh hóa các cấu phần của đô thị. Bản thân các cấu phần thực cũng cần biến đổi để thích ứng với việc tích hợp thêm môi trường số”.

Nhận định việc xây dựng đô thị thông minh chính là chuyển đổi số đô thị, chuyên gia Nguyễn Nhật Quang cho rằng, các địa phương cần tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc và giải quyết các vấn đề chung của chuyển đổi số. Đô thị thông minh không phải là 1 đích đến mà là 1 phương thức phát triển và vận hành đô thị hiện đại, hiệu quả 

Phát triển đô thị thông minh cần đặt trong tổng thể chuyển đổi số của địa phương. Các lợi ích của hạ tầng thông minh cần được lan tỏa đến toàn bộ cư dân của địa phương, không giới hạn trong không gian đô thị.

Cùng với đó, đề án đô thị thông minh phải được tích hợp chặt chẽ trong chiến lược phát triển đô thị, thể hiện trong mọi chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương. Mỗi đô thị, mỗi quốc gia cần cầu thị học hỏi nhưng phải mạnh dạn sáng tạo tìm ra cách làm riêng phù hợp với điều kiện cụ thể của mình.

Chuyên gia Nguyễn Nhật Quang, Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA.

Ông Nguyễn Nhật Quang cũng chỉ rõ, giải pháp đô thị thông minh cần kết hợp nhuần nhuyễn các giải pháp công trình, giải pháp công nghệ và giải pháp quản lý. Hạ tầng thông tin đô thị là “hệ thần kinh số” của đô thị thông minh, là dấu hiệu phân biệt một đô thị thông minh và chưa thông minh; trong đó 1 hạ tầng dữ liệu số thống nhất, chia sẻ, dùng chung và một nền tảng kết nối số mọi người mọi vật một cách chính danh, tin cậy và an toàn đóng vai trò quyết định.

Hạ tầng thông tin đô thị là dấu hiệu phân biệt một đô thị thông minh và chưa thông minh.

Chia sẻ kinh nghiệm của Thái Lan, Tiến sĩ Smich Butcharoen, Giám đốc Phát triển dịch vụ 5G, Công ty Viễn thông Quốc gia Thái Lan cho biết, Thái Lan rất coi trọng xu hướng xây dựng các thành phố thông minh để giải quyết các thách thức, đồng thời có mối quan hệ không thể tách rời giữa xây dựng thành phố thông minh với tầm nhìn 20 năm xây dựng “Thái Lan số”. 

Chính phủ Thái Lan đã hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển các đô thị thông minh do Ủy ban Quốc gia về Smart City phụ trách, bao gồm 4 tầng: Tầm nhìn/Kế hoạch quốc gia; Khung chính sách; Luật; và văn bản hướng dẫn. “Điều này đã tạo thuận lợi lớn cho các đô thị nhanh chóng giải quyết được các thách thức, và triển khai hiệu quả”, Tiến sĩ Smich Butcharoen nói.

Tại Việt Nam, thành phố thông minh giúp tối ưu hóa nguồn lực, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh, tiện ích cho người dân và phát triển kinh tế, xã hội cũng là mục tiêu của Chính phủ, chính quyền các cấp. Từ tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TT&TT đã sớm nghiên cứu, xây dựng và ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh Việt Nam phiên bản 1.0, trên cơ sở tham khảo tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO. Dự kiến, trong năm 2023, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, xem xét ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM phiên bản 2.0 trên cơ sở kế thừa từ phiên bản 1.0, có bổ sung các thành phần mới phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và bảo đảm gắn kết với quá trình chuyển đổi số tại địa phương.

Dẫn số liệu của Bộ Xây dựng, đại diện VINASA cho biết, đến nay, trên cả nước có 54/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng đề án đô thị thông minh; 30 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Đề án, chương trình, kế hoạch phát triển đô thị thông minh.

Cùng với đó, gần 20 tỉnh, thành phố đã phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh; 38 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp tỉnh; 21 tỉnh, thành phố đã triển khai Trung tâm IOC cấp đô thị, thành phố thuộc tỉnh; 17/63 tỉnh đã triển khai ứng dụng dịch vụ du lịch thông minh, khoảng trên 10 tỉnh, thành triển khai các ứng dụng về giao thông thông minh, kiểm soát trật tự an toàn đô thị, ngoài ra còn một số ứng dụng trong các lĩnh vực khác như giáo dục thông minh, y tế thông minh.