Hồi đầu tháng 2, Singapore lần đầu tiên cho vận hành trang trại nuôi cá thông minh khép kín - tức nuôi cá trong các hồ lớn, đặt trên những con tàu sát biển. Ứng dụng công nghệ của Siemens và vài đối tác khác, bè nuôi cá này vận hành dựa trên nền tảng IoT, trí tuệ nhân tạo, kết hợp với dữ liệu từ đám mây.

{keywords}
Mô hình bè cá thông minh tại Singapore. (Ảnh: sfa.gov.sg)

Dựa vào video quan sát, trí tuệ nhân tạo có thể cho biết trọng lượng cá mà không cần cân. Nhìn theo đường bơi, máy tính dự báo bệnh, thậm chí có thể biết cá đang đói hay không để cho ăn. Ngoài ra, những công nghệ phổ biến hơn như điều chỉnh nhiệt độ nước, lọc bẩn, thay nước định kỳ,... cũng được tích hợp vào.

Mô hình nuôi cá này giúp Singapore quản lý được vấn đề an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, đồng thời giải quyết một phần nhu cầu hải sản vốn hầu hết phải nhập khẩu. Bè cá 4.0 này nếu hiệu quả có thể nhân rộng không chỉ tại Singapore mà tại các nước trong khu vực, trong bối cảnh nhu cầu thực phẩm sạch đang tăng lên.

Tuy vậy, để trang trại càng thông minh, hiệu quả thì lượng dữ liệu thu thập phải đủ lớn. Lúc này vấn đề an toàn bảo mật phát sinh.

Ông Stephan Neumeier, Giám đốc Điều hành Kaspersky Khu vực châu Á Thái Bình Dương, cho biết hacker có thể can thiệp vào quá trình vận hành trại nuôi cá, thay đổi các thông số dữ liệu khiến kết quả không chính xác, ảnh hưởng chất lượng cá nuôi.

{keywords}
Ông Stephan Neumeier, Giám đốc Điều hành Kaspersky Khu vực châu Á Thái Bình Dương. (Ảnh: Hải Đăng)

Với sự tiến bộ của công nghệ, các nhà máy xí nghiệp hầu hết được tự động hoá tương tự. Chẳng hạn, ông Stephen nêu ví dụ, hiện nay người dùng có thể đặt mua những đôi giày cá nhân hoá. Đầu tiên, người dùng đặt hàng qua ứng dụng trên điện thoại, chọn màu sắc hay hoa văn cho giày của mình, sau đó đặt hàng. Nhà máy nhận đơn của khách, tiến hành cho in ấn và sản xuất, gửi đến địa chỉ người mua. Toàn bộ quá trình này diễn ra trong vòng 1 tuần.

Giám đốc Kaspersky châu Á Thái Bình Dương cho rằng kẻ xấu có thể lợi dụng các lỗ hổng trong quy trình, can thiệp khiến hàng hoá không như ý khách hàng hoặc kéo dài thời gian giao hàng,... Việc này không ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng có thể khiến doanh nghiệp mất uy tín.

Một trường hợp khác, nhiều nơi đã cho bán thuốc qua mạng hoặc sản xuất thuốc theo yêu cầu. Tuy nhiên hệ thống vận hành nếu không chặt chẽ có thể khiến tội phạm can thiệp vào, thay đổi nguyên liệu sản xuất hay thành phần, loại thuốc. Hậu quả của việc này ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng con người.

Rõ ràng cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, đám mây, máy học giúp cuộc sống con người tốt đẹp hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm sức lực hơn nhưng cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định.

Việt Nam đang tích cực thúc đẩy tất cả ngành nghề chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh. Những nguy cơ an toàn thông tin, an ninh mạng cũng vì thế sẽ kéo đến.

Tuần trước, Tổng công ty Điện lực TP.HCM tổ chức hội thảo chuyển đổi số, hướng tới trở thành công ty đầu tiên trong tập đoàn áp dụng các tiến bộ công nghệ. Điện lực là hạ tầng trọng yếu của quốc gia, do đó việc đơn vị này số hoá được ủng hộ, nhưng chuyên gia cũng cảnh báo nhiều vấn đề an ninh mạng.

Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) phát biểu tại hội thảo đã cảnh báo về các cuộc tấn công có chủ đích. Tội phạm mạng dạng này có kỹ năng cao, có thể được hậu thuẫn bởi chính phủ, tấn công vì mục đích chính trị. Do đó, việc chuyển đổi số ngành điện lực cần có một tầng rào bảo mật cẩn trọng.

{keywords}
Ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia. (Ảnh: Hải Đăng)

Việt Nam trước đây từng bị tấn công vào hệ thống website của Vietnam Airlines và các sân bay. Hay gần đây một vụ hack khiến lưới điện một khu vực ở Ukraine bị tê liệt là những ví dụ điển hình về những vụ việc kiểu mới: tấn công trên mạng nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống.

Cả ông Hưng và ông Stephan đều đưa ra những ví dụ cho thấy các vụ tấn công mạng đang diễn ra hàng ngày. Các chiêu thức ngày càng tinh vi do tiến bộ công nghệ và dễ dàng thực hiện hơn khi chủ mưu có thể thuê hẳn một nhóm tin tặc tấn công mà không để lại dấu vết.

Theo khảo sát của Kaspersky, công ty ở các lĩnh vực công nghệ thông tin, ngân hàng, quân đội đầu tư mạnh mẽ nhất vào hạ tầng công nghệ. Trong khi đó, các mảng cũng quan trọng như sức khoẻ, sản xuất chi ít hơn. Mảng sản xuất thậm chí đầu tư dưới mức trung bình.

Quan sát trong khu vực, phía hãng bảo mật cho rằng vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng công nghệ. Chẳng hạn, khối ngân hàng đầu tư nhiều nhất cho công nghệ thông tin để đáp ứng tiêu chuẩn của các tổ chức trong nước lẫn quốc tế. Do đó, tác động từ chính phủ sẽ góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ từ nhiều ngành nghề.

Tại Việt Nam, nhiều tỉnh thành đã lập thành nghị quyết nhằm tạo cơ sở để các cơ quan ban ngành thực hiện chuyển đổi số. Bộ Thông tin & Truyền thông cũng ban hành một số quy chuẩn về chuyển đổi số để các cơ quan nhà nước đối chiếu khi thực hiện. Bộ quy chuẩn dành cho các ngành nghề khác đang được soạn thảo.

Để bảo vệ các hạ tầng trọng yếu, cả ông Hưng và ông Stephan đều thống nhất việc xây dựng đội ngũ tại chỗ, kết hợp với quá trình kiểm toán thường xuyên hệ thống, đồng thời xây dựng hệ thống bảo mật đủ mạnh để bảo vệ mạng lưới. 

Hải Đăng

Chuyển đổi số ngành điện phải mang lại lợi ích cho người dân

Chuyển đổi số ngành điện phải mang lại lợi ích cho người dân

Thay vì chú tâm đổi mới bên trong, chuyên gia cho rằng chuyển đổi số điện lực cần cho người dân thấy những lợi ích thiết thực.