Sau 5 năm chuyển đổi hoạt động theo cơ chế mới, với quyết tâm dứt “bầu sữa ngân sách”, đến nay 2 đơn vị tiên phong tự chủ của Sở Khoa học & Công nghệ (Sở KH&CN) tỉnh Hà Tĩnh đã có những chuyển biến rõ rệt về phát triển tiềm lực KH&CN, từng bước tạo lập hướng hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Theo thông tin mới đây trên Báo Hà Tĩnh và Cổng thông tin điện tử Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Hà Tĩnh, ông Đỗ Khoa Văn cho biết: "Từ 2014 đến nay, các đơn vị tự chủ của ngành KH&CN đã thực hiện tốt việc tự chủ nguồn kinh phí chi thường xuyên, tiết kiệm cho ngân sách hàng năm gần 2 tỷ đồng, tạo cơ sở bước đầu phát triển trở thành các đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên và đầu tư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN".

"Thời gian tới, Sở tổ chức rút kinh nghiệm các đơn vị đã thực hiện, tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với tổ chức KH&CN công lập và đơn vị sự nghiệp công lập nói chung; đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức KH&CN chuyển sang tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư trong toàn tỉnh".

Ông Đỗ Văn Khoa chia sẻ thêm: "Sở cũng đưa vào kế hoạch giai đoạn 2021-2025 chuyển đổi thành doanh nghiệp, doanh nghiệp KH&CN, công ty cổ phần đối với các đơn vị thực hiện tốt cơ chế tự chủ. Đồng thời, rà soát, đánh giá thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập, giải thể những tổ chức KH&CN hoạt động kém hiệu quả, những tổ chức KH&CN có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo".

b1-ha-tinh-don-vi-tu-chu-nganh-kh-cn-tiet-kiem-ngan-sach.jpg

Đơn vị tự chủ của ngành KH&CN tiết kiệm cho ngân sách hàng năm gần 2 tỷ đồng, tạo cơ sở bước đầu phát triển trở thành các đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên (ảnh minh họa, nguồn: skhcn.hatinh.gov.vn).

Trong Nghị quyết 08/NQ-CP ngày 24/1/2018 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập có đặt ra các chỉ tiêu cụ thể.

Theo đó đến năm 2021, phấn đấu giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.792) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 205.369) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015; có 10% (bằng 5.792) đơn vị tự chủ tài chính, giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị
sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2011-2015.

Đến năm 2025 phấn đấu tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% (bằng 5.213) đơn vị sự nghiệp công lập và 10% (bằng 184.832) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021; có tối thiểu
20% (bằng 10.426) đơn vị tự chủ tài chính, 100% đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác có đủ điều kiện hoàn thành chuyển đổi thành công ty cổ phần; tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Đến năm 2030 phấn đấu chỉ còn các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước và các đơn vị cung ứng các dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; giảm 10% (bằng 166.349) biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2025; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025.

Nghị quyết 08 cũng đặt ra mục tiêu chuyển một số tổ chức KH&CN công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm khoa học có khả năng thương mại hóa thành doanh nghiệp hoặc chuyển về trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty.

Ở Đồng Nai theo báo cáo mới đây, Sở KH&CN tỉnh cũng đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, từ kết quả hoạt động sự nghiệp, đổi mới phương thức hoạt động, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, các đơn vị sự nghiệp đã tạo nguồn tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức của đơn vị.

Sở KH&CN tỉnh Đồng Nai cũng tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí tại 2 đơn vị quản lý nhà nước và 4 đơn vị trực thuộc Sở.