Hầu hết các ví điện tử lớn đều có phần lớn cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài

Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 14/11/2019, cả nước có 32 công ty được cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 29 công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử. Số liệu của NHNN tính đến quý 2/2019 cho thấy, 5 ví điện tử bao gồm Payoo, Momo, Airpay, Moca, Senpay (ví FPT) đang chiếm khoảng 93% thị phần về số lượng giao dịch. Ngoài ra, thị trường ví điện tử còn có những gương mặt đáng chú ý khác như VNPay, TrueMoney, ZaloPay…

Tỷ lệ thuận với sự bùng nổ của thị trường Fintech là số lượng vốn đầu tư của các công ty nước ngoài vào các công ty của Việt Nam như Momo, VNPay... ngày càng gia tăng. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, tỷ lệ thuận với sự bùng nổ của thị trường Fintech là số lượng vốn đầu tư của các công ty nước ngoài vào các công ty của Việt Nam ngày càng gia tăng thông qua việc góp vốn, mua lại các ví điện tử trong nước hay hợp tác với nhau…

Có thể kể đến như Momo, đầu năm 2019, công ty này nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư vốn cổ phần tư nhân Warburg Pincus trong vòng gọi vốn thứ 3 (Series C), tuy giá trị đầu tư không được tiết lộ nhưng được cho là “con số cao nhất cho đến hiện tại của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư cho lĩnh vực Fintech và Thương mại điện tử tại Việt Nam” thời điểm đó. Trước đó, Momo cũng nhận đầu tư gần 34 triệu USD sau 2 vòng gọi vốn năm 2016 và 2013. Tính đến thời điểm tháng 11 năm 2018, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại M_Service được cho là đã tăng lên 63,8% từ mức 47,27% (và sẽ còn tăng hơn nữa sau thương vụ đầu tư năm 2019).

Chưa kể, Tập đoàn NTT Data của Nhật đã mua 64% vốn của Payoo; Tập đoàn TrueMoney của Thái Lan sở hữu đến 90% vốn của Công ty Cổ phần 1Pay; 62,25% cổ phần tại VNPT Epay cũng được bán cho Tập đoàn UTC Investment của Hàn Quốc. Grab cũng mua lại 3,523% cổ phần ví điện tử Moca để cho ra mắt ví GrabPay by Moca.

Gần đây nhất, tháng 7/2019, quỹ SoftBank Vision Fund và GIC Pte (Singapore) được cho là đã đầu tư tới 300 triệu USD vào công ty mẹ của VNPay và có thể chiếm phần lớn cổ phần của ví điện tử này.

Ngoài ra, công ty mẹ sở hữu ví điện tử Airpay (Foody) cũng bị kiểm soát bởi Sea (Garena) với thương vụ mua lại 82% cổ phần hay với Senpay, Sendo đã nhận được 61 triệu USD đầu tư từ các quỹ nước ngoài vào tháng 11/2019.

Có thể nói các ví điện tử lớn ở Việt Nam hay các công ty mẹ sở hữu ví điện tử đa phần đều có tỷ lệ sở hữu phần lớn thuộc về các nhà đầu tư, công ty nước ngoài.

Nếu quy định hạn chế tỷ lệ đầu tư của nước ngoài ở mức 49% như trong Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt được ban hành, chắc chắn thị trường ví điện tử không còn sôi động như hiện nay. Đa phần các ví điện tử có tỷ lệ sở hữu của nước ngoài lớn hơn con số này nên không thể tiếp tục gọi vốn thêm được. Đồng thời, những “thương vụ bạc tỷ” gọi vốn hàng chục hay hàng trăm triệu USD sẽ thưa thớt dần.

Đồng nghĩa, khi đó các ví điện tử buộc phải chi tiêu chắt bóp hơn, hạn chế khuyến mãi để thu hút khách hàng hoặc tìm kiếm các nhà đầu tư Việt Nam, trong khi số lượng các quỹ đầu tư nội rất ít và số tiền đầu tư cũng hạn chế hơn nhà đầu tư ngoại rất nhiều.

Có nên hạn chế tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực Fintech?

Chủ đề nóng nhất Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt là những tranh cãi xung quanh quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, theo đề xuất tại Dự thảo không quá 49%.

Đó là lý do tại sao trong Hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP) được tổ chức ngày 11/12, chủ đề nóng nhất là những tranh cãi xung quanh quy định về hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán, theo đề xuất tại Dự thảo không quá 49%.

Ông Nishikawa, thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (Ví điện tử Payoo), đại diện cho nhà đầu tư NTT (Nhật Bản) cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài có sự đóng góp lớn không chỉ vì về vốn đầu tư mà cả công nghệ, tri thức để phát triển, do đó Ngân hàng nhà nước cần cân nhắc về quy định hạn chế vốn đầu tư nước ngoài.

Một số chuyên gia pháp lý đi sâu hơn khi cho rằng việc hạn chế đầu tư nước ngoài có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, CPTPP. Quy định hiệu lực hồi tố tại Điều 42 của Dự thảo cũng trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại song phương và đa phương, có thể dẫn đến nguy cơ Chính phủ Việt Nam bị khởi kiện bởi chính phủ hoặc các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Đặng Thanh Sơn, Luật sư thành viên Công ty Luật Baker McKenzie dẫn ra trường hợp Trung Quốc bị WTO xử thua kiện khi áp dụng hạn chế tương tự trong lĩnh vực thanh toán điện tử.

Ông Phùng Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính, bình luận hiện nay trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của Fintech, nên hạn chế đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực Fintech. Mặt khác, mặc dù cơ quan soạn thảo cho rằng “trung gian thanh toán” không được thể hiện trong các lĩnh vực cam kết, nhưng đây chỉ là một khái niệm pháp lý riêng của Việt Nam, còn về bản chất hoạt động này đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán.

Chình vì thế, ông Tuấn cho rằng, nếu chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc nhiều giải pháp khác nhau để kiểm soát, theo dõi và ngăn chặn các hoạt động đầu tư không mong muốn cụ thể, thay vì áp đặt hạn chế trên toàn thị trường.

Thay mặt cơ quan soạn thảo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, đối với vấn đề hạn chế đầu tư nước ngoài, quan điểm của NHNN cho rằng đây là tỷ lệ hợp lý, và phù hợp với các cam kết quốc tế, đảm bảo quyền lợi của các bên, đồng thời thể hiện chủ quyền và quyền quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán. Tuy nhiên, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu nội dung các hiệp định song phương và đa phương để có quy định hợp lý nhất.