Trên Shopee, một nhà bán rao chiếc tai nghe JBL Tune 220 với giá 245 ngàn đồng, trong khi các đại lý chính thức của JBL bán mẫu tai nghe này ở mức 2,45 triệu đồng.

Tương tự, chiếc tai nghe JBL Live Pro+ TWS đang niêm yết chính hãng 2,69 triệu đồng, thì gian hàng này bán với giá rẻ hơn 10 lần, ở mức 279 ngàn đồng.

Chủ gian hàng có tên taingheloabluetooth…, trụ sở tại Tân Phú (TP.HCM). Không chỉ hai mẫu nói trên, người này còn bán chiếc tai nghe JBL Wave300 với giá 279 ngàn đồng, trong khi các trang web nước ngoài đang bán giá gần 1 triệu đồng, chưa tính phí vận chuyển về Việt Nam.

Một mẫu tai nghe giả JBL bán trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh chụp màn hình)

Trả lời VietNamNet, phía JBL khẳng định tất cả những mẫu tai nghe nói trên đều là hàng giả mạo.

Nhiều người sau khi mua các sản phẩm này không hài lòng về chất lượng. Người dùng hari… bình luận: Sản phẩm đúng như mô tả của người bán “tuy nhiên không như tưởng tượng vì nhẹ như đồ chơi. Tai nghe to nên nhét tai khá đau, với giá tiền này thì không đáng mua! Chất lượng nhạc phát không hay!”

Bình luận của một người mua tai nghe giả trên sàn thương mại điện tử. (Ảnh chụp màn hình)

Không chỉ trên Shopee, tất cả các mẫu tai nghe nói trên cũng được bán ở Lazada, với mức giá vài trăm ngàn đồng. Một số mẫu cũng được rao trên Chợ Tốt và những website do cửa hàng tự vận hành.

Ngoài JBL, nhiều thương hiệu khác như Sony, Marshall, Bose,... cũng bị làm giả.

Thật khó tin những chiếc tai nghe cao cấp của Marshall thường có giá từ hơn 2 triệu đồng nhưng bán trên các trang thương mại điện tử với giá vài trăm ngàn đồng.

Hay mẫu Bose QC35 II có giá chính hãng hơn 7 triệu đồng nhưng đang bán trên Shopee với giá chưa tới 500 ngàn đồng.

Không chỉ mặt hàng tai nghe, nhiều món đồ công nghệ, quần áo, phụ kiện,... cũng bị làm giả và bán nhiều trên mạng.

Thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), hồi tháng 3/2020, cho thấy có trên 21.000 sản phẩm trên thương mại điện tử vi phạm thương hiệu.

Ba nhóm hàng giả kinh doanh chủ yếu trên các nền tảng online gồm đồ công nghệ điện tử; quần áo, giày dép, mỹ phẩm; đồ gia dụng.

Trên thực tế, câu chuyện hàng giả, hàng nhái không chỉ diễn ra tại Việt Nam mà trên toàn cầu.

Theo Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO), 7-9% thương mại toàn cầu bao gồm hàng giả. 

Một bản ghi nhớ do cựu tổng thống Donald Trump ký năm 2019 cho biết giá trị buôn bán hàng giả và hàng nhái trên toàn thế giới có thể tăng lên 500 nghìn tỷ USD mỗi năm, với khoảng 20% thương mại này vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ.

Tại Ấn Độ, buôn bán hàng giả năm 2019 gia tăng 24% so với 2018, gây thiệt hại kinh tế lên đến 1 ngàn tỷ rupee (hơn 314 ngàn tỷ đồng).

Trả lời VietNamNet, các sàn như Shopee, Lazada, Tiki cho biết đều có đội ngũ nhân viên rà soát hàng hoá, có hệ thống lọc hình ảnh và từ khoá vi phạm. Tuy nhiên, các gian hàng có mục đích xấu vẫn dùng nhiều cách để vượt qua các tường rào bảo vệ này.