Sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam kéo dài trong 5 ngày từ 19/4 đến 24/4. Đây là lần đầu tiên TP.HCM phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức sự kiện về ngành sách, xuất bản có quy mô cấp quốc gia. 
Sự kiện thu hút hàng nghìn người đến dự với mục đích thăm quan và tìm kiếm những trải nghiệm đa dạng loại hình sách. Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết đây là dịp để kích cầu và phát triển ngành xuất bản sau 2 năm trì hoãn do dịch. 
Có 20 nhà xuất bản - phát hành trong cả nước tham gia và mang đến chương trình hơn 500 nghìn tựa sách khác nhau. Các sách đa dạng thể loại, đề tài: từ kinh tế, khoa học, văn học - nghệ thuật đến tiểu thuyết, tản văn,...
Bạn Thu Quỳnh (thành phố Thủ Đức) bày tỏ hào hứng khi thăm quan không gian triển lãm. "Trong suốt 2 năm dịch, tôi và những người có nhu cầu đọc sách chỉ có thể đọc online hoặc mua qua mạng. Ngày sách được khai mạc là ngày hội của những người yêu sách và cũng nhằm lan tỏa thói quen đọc sách đến mọi người", Thu Quỳnh chia sẻ. 
Không gian trưng bày sách, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh được bố trí ở vị trí trung tâm triển lãm. Những hình ảnh, tự liệu quý giá về vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam cũng được giới thiệu, trong đó có "Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" hay "Đường Kách Mệnh"...
Các đơn vị xuất bản, phát hành như Fahasa, Kim Đồng, NXB trẻ, Phương Nam... mang tới những tác phẩm bán chạy bên cạnh giới thiệu những đầu sách mới với nhiều mức giá ưu đãi.  
Một gian hàng sách thiếu nhi với công nghệ, người đội mô hình thú nhồi bông thu hút nhiều trẻ em chụp ảnh. Chị Minh Thảo (quận 3, TP.HCM) cho biết đây là dịp để con gái được vui chơi, trải nghiệm không gian mở tương tác sau thời gian dài phải học online. 
Mô hình cột mốc đánh dấu chủ quyền lãnh thổ được tái hiện trong khu vực biển đảo Việt Nam. Ngoài đẩy mạnh văn hóa đọc, Ngày Sách còn được xem là dịp để giáo dục, tuyên truyền và nâng cao tinh thần yêu nước của người dân. 
Trong lần tổ chức đầu tiên, ban tổ chức Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam chủ trương nhấn mạnh yếu tố truyền thống. Nhóm đờn ca tài tử với những tiết mục đàn hát các ca khúc gắn liền với miền Tây Nam Bộ thu hút đông khán giả theo dõi.  
Một nghệ nhân với gian hàng nặn tò he gợi nhắc tính dân gian và tuổi thơ của nhiều người. 
Ông Đồ cho chữ là nét đẹp văn hóa truyền thống cũng được tái hiện trong khuôn khổ ngày hội. 
Các bé thiếu nhi tham gia biểu diễn các tiết mục nhảy dân gian, dựng hoạt cảnh lớp học thầy đồ - con trẻ. Chương trình lần này còn có 4 xe thư viện lưu động trưng bày và phục vụ việc đọc sách cho thiếu nhi với các đầu sách thuộc nhiều chủ đề trên các nền tảng điện tử. 
Sân khấu mở với tiết mục âm nhạc, giao lưu níu chân nhiều khán giả trung niên. Ngoài triển lãm, các sự kiện âm nhạc cũng được tổ chức song song như đêm nhạc phim chuyển thể từ văn học ngày 21/4, show nhạc Trịnh "Nối vòng tay lớn" ngày 24/4,...
Những không gian đậm chất Nam bộ với mái hiên, lũy tre, các lớp học với thầy đồ - con trẻ,… nhằm giúp bạn đọc có không gian trải nghiệm đa dạng. Ngoài sân khấu chính tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức cũng có nhiều không gian, hoạt động hòa chung không khí Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất. Các chương trình sẽ được kéo dài đến hết tháng 4.

Tuấn Chiêu

Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhấtTối 19/4, Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam diễn ra tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Quận 1, TP.HCM.