Lịch sử chiến tranh loài người đã chứng kiến 2 bước ngoặt quan trọng, đầu tiên là phát minh thuốc súng và tiếp theo là vũ khí hạt nhân. Với những gì đã và đang diễn ra tại Đông Âu, rất có thể từ nay một trang mới sắp được mở ra, một cuộc cách mạng chiến tranh do trí tuệ nhân tạo (A.I) dẫn đầu.

Sân thử công nghệ lý tưởng

Ngay khi xung đột quân sự nổ ra giữa Nga và Ukraine, Clearview, một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nhận diện khuôn mặt bằng A.I đã gửi thư đề nghị hỗ trợ Ukraine miễn phí công nghệ mà hãng đang thương mại hoá tại thị trường Mỹ với khách hàng chủ yếu là lực lượng hành pháp.

Tương tự, Elon Musk, CEO Tesla và SpaceX cũng gửi các thiết bị đầu cuối hệ thống Starlink, một dự án Internet vệ tinh tham vọng bao phủ toàn bộ địa cầu, để hỗ trợ chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky duy trì kết nối Internet ở các khu vực chiến sự.

Điều đáng chú ý là công nghệ của Clearview đang vấp phải nhiều chỉ trích và kiện cáo ngay trên đất Mỹ. Không chỉ là vấn đề quyền riêng tư của người dùng khi hãng sử dụng hàng chục tỷ hình ảnh trên Internet làm cơ sở dữ liệu hệ thống, mà còn là tính chính xác và hiệu quả của A.I tích hợp trên sản phẩm có thể gây ra những sai sót nghiêm trọng tới tính mạng con người.

{keywords}
 

Trong khi đó, các khu vực khủng hoảng cũng sẽ là địa điểm “thử nghiệm” lý tưởng độ ổn định các hệ thống vệ tinh trước những hoạt động tác chiến điện tử dày đặc của 2 bên, và xa hơn là các công nghệ quân sự tiên tiến nhất, dẫn đầu bởi A.I.

Các cường quốc vốn đã đầu tư cho cuộc đua công nghệ A.I quân sự trong nhiều năm trở lại đây. Ứng dụng của A.I xuất hiện trong hầu hết các hệ thống hay chiến dịch quân sự, từ khâu hậu cần, giám sát và ra lệnh, thu thập phân tích tình báo, chiến tranh thông tin cho tới tích hợp trong vũ khí tự hành.

Ukraine không phải chiến trường đầu tiên trí tuệ nhân tạo được sử dụng. Trước đó, công nghệ này đã xuất hiện ở các cuộc xung đột khác như Libya, Syria, Afghanistan,… Thế nhưng, quy mô và tính chất của cuộc chiến đang diễn ra tại châu Âu là một mẫu thử đủ lớn để các bên nghiên cứu dữ liệu và chuẩn bị cho các xung đột tiềm tàng trong tương lai.

Tại đây, thế giới đã chứng kiến vai trò đậm nét của A.I trong mọi hoạt động quân sự, từ hậu cần, giám sát và ra lệnh, thu thập phân tích tình báo, chiến tranh thông tin và vũ khí tự hành.

Sau thuốc súng, vũ khí hạt nhân, A.I sẽ là cuộc cách mạng lần thứ 3 của chiến tranh?

Bản thân A.I không phải một khái niệm như chất bán dẫn hay vũ khí hạt nhân. Trí tuệ nhân tạo bao hàm nhiều công nghệ và kỹ thuật, cho thấy phạm vi sử dụng và tiềm năng ứng dụng rộng lớn trong lĩnh vực quân sự, đặc biệt với sự phát triển của sức mạnh điện toán và các siêu dữ liệu.

Năm 2017, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định rằng, bất kỳ quốc gia nào dẫn đầu công nghệ A.I “sẽ thống trị thế giới”. Chiến lược A.I của quốc gia này đã bắt đầu từ năm 2014, khi Bộ Quốc phòng đưa ra khái niệm sử dụng các hệ thống robot quân sự vào năm 2030, với mục tiêu 30% hoạt động quân sự sẽ được robot hóa một phần hoặc hoàn toàn.

Trong khi đó, quân đội Mỹ cũng đẩy mạnh hiện đại hoá quân đội xoay quanh ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Bộ Quốc phòng Mỹ ký hợp đồng sử dụng dịch vụ A.I với những gã khổng lồ công nghệ như Microsoft và Amazon, đưa trí tuệ nhân tạo vào chương trình huấn luyện cũng như phát triển các đầu mối nghiên cứu công nghệ tương lai.

“Chúng ta không thể là một đội quân của thời đại công nghiệp trong thời đại của thông tin”, Tư lệnh lục quân Mỹ James McConville nói. “Quân đội Mỹ cần chuyển đổi tất cả các quy trình của thời đại công nghiệp để hoạt động hiệu quả hơn, bảo vệ nguồn lực tốt hơn và đưa ra quyết định chính xác hơn. Chúng ta, trong ngày nay, phải là đội quân của tương lai”.

Trong kỷ nguyên thông tin, ý tưởng về sự kết hợp giữa sức mạnh điện toán và A.I trong quân sự đang ngày càng trở nên phổ biến để hiệp đồng tác chiến các binh chủng không quân, hải quân, lục quân và không gian mạng, tạo thành một khối chiến đấu thống nhất.

Tháng 11/2021, Mỹ tổ chức một cuộc tập trận hiện đại hoá tại Arizona với hệ thống chỉ huy chung dựa trên ý tưởng JADC2 (chỉ huy và kiểm soát toàn miền) được tích hợp sâu trí tuệ nhân tạo, kết nối mọi cảm biến với các đơn vị thực địa, cho phép một số quy trình phối hợp của các binh chủng diễn ra theo thời gian thực, thay vì mất vài giờ cho tới cả ngày như trước kia.

Theo đó, JADC2 có vai trò tập hợp chung tất cả các thông tin tình báo quân sự, giám sát và trinh sát lên dữ liệu đám mây và sử dụng A.I cùng các thuật toán để xác định phương án tấn công tối ưu nhất đối với một mục tiêu cụ thể.

Trung Quốc cũng là một nhân tố lớn trong bàn cờ A.I thế giới. Một nghiên cứu của Viện Brookings năm 2020 nói rằng quốc gia này đã “đầu tư đáng kể cho robot, chiến lược bầy đàn (swarming), cũng như các ứng dụng trí tuệ nhân tạo và máy học khác”.

Dữ liệu của Pax cho thấy, trong giai đoạn 2005 - 2015, Mỹ chiếm 26% các bằng sở hữu sáng chế liên quan tới A.I quân sự, trong khi Trung Quốc là 25%. Và từ đó tới nay, dường như Bắc Kinh đang vươn lên mạnh mẽ. Họ được cho là đạt được những bước tiến quan trọng với công nghệ nhận diện khuôn mặt cấp quân sự, cho phép xác định mục tiêu cách xa hàng dặm mà không cần sự xác nhận của con người.

Cách thức tiến hành chiến tranh có thể lại thay đổi một lần nữa, với sự lên ngôi của trí tuệ nhân tạo như đã từng xảy ra trước đây với phát minh thuốc súng và bom hạt nhân?

Vinh Ngô

Công ty Trung Quốc phủ nhận drone bị quân đội Nga sử dụng tại Ukraine

Công ty Trung Quốc phủ nhận drone bị quân đội Nga sử dụng tại Ukraine

DJI bác bỏ cáo buộc quân đội Nga triển khai máy bay không người lái (drone) của hãng cho hoạt động quân sự tại Ukraine sau khi một nhà bán lẻ Đức gỡ bỏ các sản phẩm.