Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc đang được thúc đẩy hoạt động trên diện rộng, hàng triệu cá nhân và doanh nghiệp nước này đã bị "gán mác" không đáng tin cậy, nằm trong "danh sách đen" của chính phủ và họ sẽ không được phép tiếp cận thị trường tài chính hoặc di chuyển bằng máy bay, tàu hoả. "Danh sách đen" này hàng năm nằm trong nỗ lực thúc đẩy "sự đáng tin cậy" của xã hội Trung Quốc và cũng là sự mở rộng của hệ thống tín dụng xã hội, dự kiến sẽ chấm điểm cho 1,4 tỷ công dân.

Hệ thống tín dụng xã hội xác định cả điểm tích cực lẫn điểm âm cho hành vi của mỗi cá nhân hoặc cả doanh nghiệp nhằm nâng cao ý thức của người dân. Dẫu vậy, những người ủng hộ nhân quyền lo ngại rằng hệ thống này lại không xét đến khía cạnh hoàn cảnh cá nhân và như thế sẽ không công bằng khi đánh giá một công ty hay cá nhân là không đáng tin cậy.

Theo báo cáo thường niên năm 2018 được Trung Tâm Thông tin Tín dụng Công dân Quốc gia (NPCIC), có hơn 3,59 triệu doanh nghiệp Trung Quốc nằm trong danh sách đen, có điểm tín dụng thuộc dạng "không đáng tin cậy", họ bị cấm tham gia một loạt các hoạt động kinh doanh bao gồm đấu thầu dự án, tiếp cận thị trường chứng khoán, tham gia đấu giá đất và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Bản báo cáo này tiết lộ chính quyền đã thu thập được hơn 14,21 triệu thông tin về những cá nhân, doanh nghiệp có "hành vi không đáng tin cậy", bao gồm các cáo buộc lừa đảo khách hàng, nợ không thanh toán được, huy động vốn bất hợp pháp và hoạt động quảng cáo sai lệch thông tin. Các cá nhân nằm trong "danh sách đen" có những hành vi thiếu văn minh như ngồi ghế ưu tiên trên tàu hoặc gây rắc rối trong bệnh viện. Thêm vào đó, có khoảng 17,46 triệu người được coi là "thiếu tín nhiệm" bị hạn chế mua vé máy bay và 5,47 triệu người không được mua vé tàu cao tốc.

Bên cạnh việc bị kiểm soát khi mua các loại vé, chính quyền địa phương còn sử dụng những biện pháp mới để gây áp lực cho các đối tượng có điểm tín nhiệm xã hội thấp, họ không cho phép những người này mua bảo hiểm cao cấp, những sản phẩm quản lý tài sản hay bất động sản, cũng như bị nêu tên trước công chúng để răn đe. Do áp lực từ hệ thống chấm điểm này mang đến, có tổng cộng 3,51 triệu cá nhân và tổ chức trong "danh sách đen" đã thanh toán các khoản nợ hoặc thuế và tiền phạt vào năm ngoái.

Bản báo cáo còn nhấn mạnh những vấn đề nhận được nhiều mối quan tâm khác như các nền tảng cho vay P2P và các vụ bê bối trong ngành chăm sóc y tế khiến người dân phẫn nộ. Tổng cộng 1.282 nhà khai thác dịch vụ cho vay P2P, hơn một nửa nằm ở tỉnh Chiết Giang, Quảng Đông và Thượng Hải, đều bị đưa vào "danh sách đen" bởi họ không thể hoàn trả tiền cho các nhà đầu tư hoặc có liên quan đến những vụ gọi vốn bất hợp pháp. Ngoài ra, nhà sản xuất sản phẩm chăm sóc sức khỏe Quanjian Group và công ty sản xuất vaccine Changsheng Bio-Technology cũng được thêm vào danh sách này vì liên quan đến các vụ bê bối lớn của ngành y tế.

Tập đoàn Y tế Quanjian bị cáo buộc phát hành quảng cáo có thông tin sai lệnh về tác dụng của một sản phẩm mà một bệnh nhân ung thư 4 tuổi đã sử dụng. Còn Changsheng, công ty sản xuất vaccine phòng dại của Trung Quốc cũng bị phạt 1,3 tỷ USD hồi tháng 10 năm ngoái sau khi bị phát hiện làm giả hồ sơ.

Các luật sư lo ngại rằng việc đẩy nhanh tiến độ áp dụng hệ thống chấm điểm tín dụng sẽ vi phạm quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Một luật sư Trung Quốc nhận định: "Nhiều người không thể trả nợ bởi họ quá nghèo nhưng lại phải chịu sự giám sát và xử lý công khai như thế này. Việc này là vi phạm nhân quyền."