Là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về cải cách hành chính, thời gian qua, các chỉ số PCI, PAPI, PAR của Hà Nội đều nằm trong nhóm 10 tỉnh/thành phố đứng đầu cả nước. Điều này thể hiện quyết tâm của Thủ đô trong việc duy trì nền hành chính hiện đại, thông thoáng; hướng tới hoàn thành mục tiêu quan trọng trong Nghị quyết về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” mà Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII đã thông qua.

Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, UBND TP. Hà Nội đã và đang chủ trương ứng dụng CNTT và chuyển đổi số nhằm cải cách hành chính, hiện đại hóa; xây dựng một chính quyền hiệu lực, hiệu quả hơn; của dân, do dân và vì dân; nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi phát triển kinh tế xã hội. Tập đoàn VNPT là đơn vị đồng hành với UBND thành phố trong quá trình chuyển đổi số này, cụ thể thông qua triển khai 2 dự án: hệ thống thông tin báo cáo và hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung vừa được khai trương.

Hệ thống thông tin báo cáo triển khai kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ tại Văn phòng UBND TP. Hà Nội, sở, ban, ngành, UBND quận/huyện/thị xã, các đơn vị trực thuộc và 579 xã/phường/thị trấn. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung đi vào hoạt động sẽ hình thành cơ sở dữ liệu hành chính, cốt lõi phục vụ chỉ đạo, điều hành của UBND TP. Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đến các cấp, các ngành trực thuộc thành phố, kết nối trục liên thông văn bản quốc gia. 

Các thủ tục hành chính sẽ được thực hiện tối ưu hóa, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ, tiết kiệm nhiều chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các rào cản về giấy tờ, không gian, thời gian… trong thực hiện thủ tục hành chính cũng sẽ dần được xóa bỏ. Mọi thông tin từ quy định về thủ tục, tiến độ giải quyết, xử lý thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch. Đây cũng sẽ là một công cụ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình quản lý nhà nước.

Đồng thời, hệ thống thông tin báo cáo và hệ thống quản lý văn bản và điều hành tập trung sẽ giúp đỡ cho các cơ quan hành chính của TP. Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng phục vụ ở quá trình tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Hai công cụ này đồng thời góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, góp phần sử dụng có hiệu quả ngân sách đầu tư công vì có thể sử dụng các nền tảng kỹ thuật dùng chung của cổng dịch vụ công quốc gia.

Tại lễ khai trương các hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung TP. Hà Nội, Ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhấn mạnh: “Hệ thống là nền tảng cốt lõi để xây dựng nền hành chính Thủ đô hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, hiệu quả, lấy người dân làm trung tâm phục vụ; gắn kết ứng dụng số với cải cách hành chính, chuyển đổi số; đồng thời góp phần hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung thành phố, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền”.

Ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT cũng chia sẻ, đây là 2 dự án phức tạp, có khối lượng dữ liệu cần tạo lập và quản lý trong hệ thống rất lớn, có nhiều kết nối để đồng bộ và chia sẻ dữ liệu đến các sở ngành, địa phương, đặc biệt đòi hỏi phải đảm bảo tính an toàn và bảo mật cao. Bằng kinh nghiệm triển khai thành công hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trục liên thông văn bản quốc gia cũng như các dự án lớn khác của Chính phủ, VNPT đã triển khai các giải pháp kỹ thuật, giải pháp về an toàn thông tin phù hợp nhất. 

“VNPT tin tưởng rằng, việc triển khai thành công dự án sẽ là “chìa khóa” để TP. Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn hệ thống cơ quan quản lý của thành phố; giúp cho việc quản lý điều hành của chính quyền trên môi trường điện tử theo hướng hiện đại; góp phần quan trọng trong tiến trình xây dựng chính quyền số hướng tới nền kinh tế số, xã hội số”, ông Tô Dũng Thái bày tỏ.

Là một tập đoàn công nghệ hàng đầu, VNPT xác định sứ mệnh tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Với vai trò là thành viên của Ủy ban quốc gia về chính phủ điện tử, trong những năm qua, VNPT đã triển khai thành công nhiều dự án tầm cỡ như: dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dự án cổng dịch vụ công quốc gia; nền tảng tích hợp liên thông văn bản; hệ thống báo cáo và điều hành Chính phủ… Các nền tảng này đến nay đều mang lại những lợi ích thiết thực và được Chính phủ, doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.

Ngọc Minh