Hội thảo “Chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền hình và dịch vụ nội dung số - Kinh nghiệm quốc tế và góp ý cho xây dựng pháp luật đối với Việt Nam” tổ chức tại Hà Nội mới đây, ông Vũ Tú Thành, đại diện Hiệp hội Công nghiệp video châu Á (AVIA) cho biết, hiện nay chính sách quản lý dịch vụ nghe nhìn chuyên nghiệp trên Internet , hay nội dung nghe nhìn trực tuyến (OTT) theo 3 xu hướng quản lý khác nhau. Ví dụ, Trung Quốc cấm toàn bộ các dịch vụ nước ngoài. Một số nước thì quản lý OTT như dịch vụ truyền hình truyền thống, trong nhóm này có Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam. Một số nước thì có chính sách quản lý nới lỏng như là Hồng Koong, Nhật Bản, New Zealand, Singapore.

Ở Việt Nam, hiện Bộ TT&TT đang nghiên cứu, sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý dịch vụ phát thanh truyền hình, trong đó có bổ sung các chính sách quản lý đối với dịch vụ truyền hình trả tiền cung cấp trên Internet (OTT). Mục tiêu của nhà nước là đảm bảo sự kiểm soát quản nhà nước để đảm bảo các nội dung cung cấp đến cho người tiêu dùng phải đảm bảo các tiêu chuẩn về nội dung, thực hiện các nghĩa vụ tài chính như thuế, phí. Đồng thời tạo ra sân chơi bình đẳng giữa các nhà cung cấp OTT và truyền hình truyền thống, giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.

Theo dự thảo, nhà nước sẽ áp dụng một số công cụ để thực hiện mục tiêu quản lý như: Cấp giấy phép cung cấp dịch vụ, quy định tỷ lệ tối thiểu nội dung trong nước là 30% như truyền hình truyền thống, thực hiện biên tập biên dịch nội dung nước ngoài, quy định về quản cáo phải được cài đặt tại Việt Nam như đối với các kênh truyền hình trả tiền.

Ông Vũ Tú Thành, đại diện cho Hiệp hội Công nghiệp Video châu Á (AVIA).

Về quy định cấp phép, ông Vũ Tú Thành đề xuất Việt Nam nên bỏ quy định về cấp phép dịch vụ OTT mà chỉ cần yêu cầu đăng ký dịch vụ, có mã số thuế ở Việt Nam để đóng thuế đối với doanh nghiệpnước ngoài. Bởi vì tính trên quy mô thị trường, thị phần của OTT chuyên nghiệp bé tý và không đáng kể. Một số nước như Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan và Úc, Malaysia cũng không yêu cầu cấp phép. Hoặc như Anh hoặc Hà Lan thì chỉ cần yêu cầu đăng ký dịch vụ với các cơ quan quản lý. Nhà nước chỉ cần kiểm soát các rủi ro do công nghệ mới áp dụng theo những luật và quy định hiện hành như quy định về an ninh dữ liệu, quyền riêng tư hay quảng cáo như đối với các dịch vụ theo yêu cầu (VOD) mà không cần có quy định nào mới hay riêng cho các dịch vụ OTT.

Ông Vũ Tú Thành cũng viện dẫn hình thức tự động cấp phép cho các dịch vụ VOD thông qua hình thức cấp phép theo loại hình như Singapore đang áp dụng. Theo cơ chế này, các nhà cung cấp dịch vụ VOD sẽ sẽ tự động được phép cung cấp dịch dịch vụ của họ miễn là tuân thủ “quy tắc nội dung cho các dịch vụ trực tuyến, VOD và dịch vụ ngách”.

Ông Vũ Tú Thành cũng yêu cầu bỏ tỷ lệ tối thiểu đối với nội dung trong nước để khuyến khích các doanh nghiệp OTT mới có kinh phí để đầu tư sản xuất nội dung, gỡ bỏ các rào cản với ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước. Hiện nay không có nước nào trên thế giới yêu cầu tỷ lệ tối thiểu nội dung trong nước đối với dịch vụ trực tuyến.

Ông Vũ Tú Thành cho rằng, cần để ý xem tập trung nguồn lực vào gì trước, các OTT đã tạo ra vấn đề gì lớn, tạo ra bức xúc đủ để quản lý hay chưa. Các quốc gia đang quản lý theo cách tiếp cận mở đềy có quan điểm như vậy, nếu dịch vụ chưa tạo bức xúc cho xã hội thì chưa cần quản lý cấp phép, chỉ cần đưa ra bộ quy tắc ứng xử, quản lý bằng các biện pháp hậu kiểm thay vì tiền kiểm.

Hiện nay có 3 loại hình dịch vụ nghe nhìn trên Internet đó là: Các nền tảng chuyên nghiệp như Netflix, Hulu, VTVGo; các nền tảng truyền thông miễn phí như Facebook, YouTube, Tik Tok và các dịch vụ vi phạm bản quyền trên Internet. Theo đó nhà nước cần có chính sách thúc đẩy các nền tảng chuyên nghiệp phát triển, đồng thời đẩy lùi cái xấu đó là các trang nội dung vi phạm bản quyền, nhưng vấn đề khó kiểm soát nhất vẫn là kiểm soát các trang vi phạm bản quyền.

Tuy nhiên, các ý kiến đề xuất cơ chế mở trong quản lý dịch vụ OTT vấp phải sự phản đối của các đơn vị truyền hình trả tiền như SCTV, VTC Digital, KP. Trong đó ông Trần Văn Úy, Chủ tịch VNPayTV đề nghị các ứng dụng OTT nước ngoài khi cung cấp vào Việt Nam cũng phải bình đẳng như các doanh nghiệp truyền hình trong nước, cũng phải cấp phép, kiểm duyệt nội dung và nộp thuế bình đẳng như nhau.