Theo Live Science, các nhà nghiên cứu đã tiết lộ rằng các đường rãnh bất thường bao phủ bề mặt Phobos, trước đây được cho là vết tích do va chạm với tiểu hành tinh cổ đại, thực chất là các hẻm núi chứa đầy bụi đang mở rộng hơn do mặt trăng này bị lực hấp dẫn kéo giãn.

Phobos (trái) và Deimos (phải) quay quanh Hoả tinh. Ảnh: Shutterstock

Phobos có đường kính 27 km tại điểm rộng nhất của nó và quay quanh Hỏa tinh ở khoảng cách 6.000 km, hoàn thành 3 vòng quay quanh hành tinh đỏ mỗi ngày, theo NASA. 

Để so sánh, Mặt Trăng của Trái Đất có đường kính khoảng 3.475 km, cách hành tinh của chúng ta 384.400 km và mất khoảng 27 ngày để hoàn thành một quỹ đạo.

Tuy nhiên, không giống như Mặt Trăng, quỹ đạo của Phobos xung quanh Hỏa tinh không ổn định. Vệ tinh nhỏ bé này đang từ từ rơi xuống bề mặt Hỏa tinh với tốc độ 1,8 m sau mỗi 100 năm, theo NASA .

Đặc điểm khác thường nhất của Phobos được cho là bề mặt với đầy sọc bí ẩn của nó. Các rãnh song song bao phủ mặt trăng này. 

Hình ảnh chi tiết về các vân trên bề mặt Phobos. Ảnh: NASA

Giả thuyết phổ biến nhất cho rằng các đường rãnh hình thành khi một tiểu hành tinh đâm vào Phobos trong quá khứ, để lại miệng núi lửa rộng 9,7 km mang tên Stickney.

Nhưng nghiên cứu mới được công bố vào ngày 4/11 vừa qua trên tạp chí Planetary Science, cho biết các đường rãnh thực sự có thể là kết quả của việc mặt trăng này từ từ bị xé toạc bởi lực hấp dẫn của Hỏa tinh khi nó ngày càng gần hơn với bề mặt hành tinh đỏ. 

Trong trường hợp của Phobos, nhóm nghiên cứu cho rằng lực thủy triều tác động lên mặt trăng sẽ tăng lên khi Phobos tiến gần hơn đến bề mặt Hỏa tinh, cho đến khi lớn hơn lực hấp dẫn của chúng. Tại thời điểm đó, Phobos sẽ bị xé toạc hoàn toàn và các mảnh vỡ có thể sẽ tạo thành một vành đai nhỏ xung quanh Hoả tinh, giống như các vòng của Thổ tinh.

Hải Nguyên (Theo Live Science)