Hội sách kết nối 2022 do Quỹ Bắc Cầu (Nhật Bản) tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Chủ đề xuyên suốt chương trình là các hoạt động về sách dành cho trẻ em nói chung và trẻ em Việt Nam nói riêng. 

Học gì từ việc lan toả văn hoá đọc của người Nhật Bản?

Hai người bạn tri kỷ Katsu Megumi và Lê Thị Thu Hiền đã đồng sáng lập Quỹ Bắc Cầu năm 2019 và tổ chức Hội sách kết nối vào ngày 20/10 hàng năm, nhằm ngày sinh nhật Hoàn thái hậu Michiko - một người yêu sách và cống hiến nhiều cho việc chăm lo cho tâm hồn trẻ thơ qua những trang sách. Họ mong muốn lan toả văn hoá đọc tới trẻ em trên khắp Việt Nam. Đến nay, họ đã mang đến cho trẻ em Việt Nam hơn 460 nghìn cuốn truyện tranh ehon ở các bệnh viện nhi, cơ sở chăm sóc trẻ em, trẻ em dân tộc thiểu số tại 36 tỉnh thành trên khắp cả nước.

Quý Bắc Cầu mang sách đẹp đến cho các em nhỏ trường mầm non Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

Ông Yamada Takio - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản cho biết, ở Nhật Bản, văn hoá đọc, đặc biệt là văn hoá đọc cho thiếu nhi được quan tâm nhiều, vì thế ông mong rằng, thiếu nhi Việt Nam sẽ phát huy được điều này thông qua các cuộc thi viết cho trẻ em như Đoá hoa đồng thoại. Sắp tới Việt Nam và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ông tin rằng, việc giao lưu văn hoá đọc giữa hai nước sẽ góp phần hiểu hơn văn hoá, du lịch của hai quốc gia.

Quỹ Bắc Cầu không chỉ tặng sách cho trẻ như cách thông thường mà các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đang thực hiện. Họ còn tổ chức hàng trăm buổi đọc truyện miễn phí cho trẻ em; hướng dẫn phụ huynh, cô giáo chọn sách và đọc sách cho con em mình và tổ chức một cuộc thi viết truyện độc thoại cho đối tượng chính là trẻ em để nuôi dưỡng những mầm tài năng văn chương, và hơn hết là nuôi dưỡng những tâm hồn đẹp thông qua việc mở ra một thế giới rộng lớn của truyện đồng thoại.

Ngay cách thức tổ chức cuộc thi này cũng rất đáng học hỏi cho Việt Nam. Nếu các cuộc thi văn chương ở Việt Nam, kể cả cho thiếu nhi, chỉ tổ chức phát động, thu bài, chấm bài và trao thưởng, thì cuộc thi Đóa hoa đồng thoại còn tổ chức các buổi hướng dẫn cách viết cho các em với những bài tập viết tại chỗ, dưới sự hướng dẫn của những nhà văn thiếu nhi có tiếng của cả hai nước Việt Nam, Nhật Bản (qua trực tuyến).

Nhìn vào cách làm bài bản của những người bạn Nhật Bản này, có thể thấy việc chăm lo văn hóa đọc đang thành phong trào sôi nổi ở Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn ngoài việc đơn giản nhất mà chúng ta mới tạm làm được: tặng sách, mở thư viện.

Hội đồng sách cho thanh thiếu nhi

Tại Hội sách kết nối 2022, ban tổ chức đã ra mắt Hội đồng Quốc tế sách cho thanh thiếu nhi (IBBY) và Hội đồng sách cho thanh thiếu nhi Việt Nam (VBBY) với ban điều hành lâm thời gồm: Nhà văn Lê Phương Liên (Chủ tịch), Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà - Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hoá Thể tha và Du lịch (Phó Chủ tịch)và bà Lê Thị Thu Hiền.

Hội đồng sách cho thanh thiếu nhi Việt Nam sẽ hoạt động dựa trên 6 mục tiêu: Mở ra cho các em thiếu nhi góc nhìn thế giới rộng lớn thông qua những trang sách; Giúp trẻ em ở khắp mọi nơi có cơ hội được tiếp cận với những cuốn sách đặc sắc và chất lượng; Khuyến khích việc xuất bản và phát hành sách có chất lượng cao dành cho trẻ em; Tìm kiếm, hỗ trợ và đào tạo cho những tài năng trong lĩnh vực liên quan đến trẻ em nói chung và văn học thiếu nhi nói riêng; Khuyến khích các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực văn học thiếu nhi; Bảo vệ và duy trì Quyền trẻ em theo Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em.

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ, thời gian gần đây, có nhiều người tham gia các cuộc thi sáng tác cho thiếu nhi, nhưng họ thiếu trí tưởng tượng, câu chữ chưa được bay bổng, chất hồn nhiên trong sáng tác không có nhiều. Bên cạnh đó, cũng có nhiều cây viết nhí có viết tốt, tuy nhiên, do môi trường sống của chúng ta chưa có sự khích lệ nên các em chưa có nhiều sáng tạo, vẫn còn viết theo kiểu văn mẫu. "Chúng ta không nên gây áp lực cho các em mà hãy để các em tự nhiên phát triển", Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ.

Bà Liên nhận định, văn học cho thanh thiếu nhi là một dòng văn học mang tính nhân loại. Bà đã có dịp tham gia AFCC (Hội sách thiếu nhi châu Á - Asian Festival of Children's Content) ở Singapore. Tại đây, các nhà xuất bản, nhà văn, nhà giáo đã thảo luận với chủ đề: Văn hóa đọc của trẻ em là tương lai của ngành xuất bản thế giới. Được tham dự cuộc hội thảo đó, bà thấu hiểu nỗi lo chung của toàn cầu.

"Hôm nay VBBY đã được thành lập, tôi rất vui mừng. Văn học viết cho thanh thiếu nhi Việt Nam, nền xuất bản sách cho thanh thiếu nhi Việt Nam và cả nền văn hóa đọc của thanh thiếu nhi Việt Nam đã đi vào chung quỹ đạo của toàn cầu", bà Liên nói.

Nói về Hội đồng sách cho thanh thiếu nhi Việt Nam, nhà văn Lê Phương Liên cho hay: "Hoạt động ban đầu của Hội đồng là tập hợp văn nghệ sĩ có nhiệt huyết với trẻ em, sau đó đến các địa điểm mà các em học sinh, thiếu nhi cần sách, muốn tiếp cận nhiều hơn với ấn phẩm văn hoá. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng vận động các tác giả viết nhiều hơn cho thiếu nhi. Hiện nay tác phẩm dành cho các em học sinh thiếu trầm trọng, vì viết cho thiếu nhi rất khó, vì viết phải hướng đến quỹ đạo chung là chức năng giáo dục, được thể hiện tinh tế, phù hợp với tâm sinh lý trẻ em. Việc này cần những văn nghệ sĩ nhiệt huyết, yêu trẻ em, trong sáng, giỏi tiếng Việt mới viết được. Tìm được những tác giả như vậy không dễ dàng".