Aynne Kokas là Phó Giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia (Mỹ) và tác giả của cuốn sách về dữ liệu của Trung Quốc. Bà đã đưa ra cảnh báo về một mối đe dọa tiềm ẩn trong các quà tặng, đồ chơi “made in China”.

Do ảnh hưởng của lạm phát và kinh tế tăng trưởng chậm, người dân tại Mỹ và khắp thế giới sẽ tập trung vào giá cả khi mua sắm các món đồ cho Giáng sinh 2022. Thông thường, hầu hết đồ chơi, quà tặng trên kệ đều sản xuất tại Trung Quốc với giá bán hấp dẫn.  

Ngoài các rủi ro như điện giật, lớp sơn độc hại hay linh kiện lỏng lẻo, thế hệ đồ chơi và sản phẩm thông minh mới, chẳng hạn màn hình theo dõi em bé, lại đặt ra những vấn đề khác liên quan đến dữ liệu. Bà Kokas nhắc đến vài mặt hàng như như Jimu ChampBot App-Enabled Building & Coding STEM Robot Kit của UBTech Robotics, nhà sản xuất tại Thâm Quyến được Tencent và Haier Electronics hậu thuẫn. Một số bộ kit robot của UBTech đã giành giải thưởng giáo dục của Mỹ.

Robot Alpha Mini của UBTech. (Ảnh: UBTech)

Nhiều đồ chơi kết nối Internet để giàu chức năng hơn. Đối với các công ty robot như UBTech, đồ chơi là mảng kinh doanh không quá rủi ro so với robot trong bệnh viện, nhà máy. Song, chúng cũng giúp đào tạo thuật toán, thu thập dữ liệu về tương tác của người dùng, giúp mọi người làm quen với sự có mặt của robot. Ứng dụng điện thoại dùng để điều khiển robot cũng bổ sung luồng dữ liệu trả về nhà sản xuất.

Bà Kokas chỉ ra, theo luật pháp Trung Quốc, các doanh nghiệp trong nước phải cung cấp quyền truy cập dữ liệu cho nhà chức trách nếu được yêu cầu. Nhiều nhà sản xuất kém nổi còn lưu trữ dữ liệu trực tiếp trên máy chủ của chính phủ, theo bà Kokas.

Dù vậy, những người mua hàng lại không nhận thức được điều đó. Các điều khoản dịch vụ thường chỉ nói chung chung về việc tuân thủ quy định địa phương. Điều đó đồng nghĩa, khi đồng ý với các điều khoản dịch vụ, người dùng đã cho phép các công ty tại Trung Quốc truy cập dữ liệu người dùng.

Bảo vệ dữ liệu người dùng chỉ thực sự mạnh mẽ nếu cơ chế hành pháp được cung cấp theo luật pháp sở tại. Trong khi đó, bà Kokas cho rằng, Mỹ cùng các nước khác đang tỏ ra yếu ớt khi nói đến xuất khẩu dữ liệu khách hàng. Họ còn không yêu cầu doanh nghiệp tiết lộ nghĩa vụ tuân thủ với Bắc Kinh.

Mọi người khi mua các mặt hàng làm quà tặng, chẳng hạn drone, có xu hướng cân nhắc các yếu tố như giá bán, tính năng đặc biệt và sự an toàn. Song, họ chưa để tâm đến dữ liệu mà drone – hay ứng dụng hỗ trợ - có thể thu thập hay nơi lưu trữ dữ liệu.

Nhiều khách hàng còn không biết DJI Technology – nhà sản xuất phần lớn drone thương mại trên thế giới – là một công ty Trung Quốc. Dù DJI lưu dữ liệu bên ngoài Trung Quốc trên máy chủ Amazon, nó vẫn là đối tượng phải tuân thủ quy định của nhà nước.

Một số sản phẩm gia dụng thương hiệu GE cũng do Haier, một công ty Trung Quốc, sản xuất. Các sản phẩm mới nhất của hãng bao gồm tủ lạnh thông minh. TikTok, một ví dụ nổi tiếng khác, cũng của Trung Quốc và từng bị chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump dọa cấm.

Nhìn chung, Mỹ, EU và Nhật Bản đều có cách nhìn nhận khác nhau đối với bảo vệ dữ liệu khách hàng. Ngay tại Mỹ, mỗi tiểu bang lại có quy định riêng, gây ra sự “chắp vá”. Chính vì vậy, bà Kokas khuyên người dùng nên tự chú ý hơn đến các thiết bị mua cho gia đình và ứng dụng cài trên điện thoại.

(Theo Nikkei)