LTS: Tháng 12 và những ngày cuối cùng của năm, ai nấy đều rất bận rộn, cấp tập chạy đua với deadline công việc, chuẩn bị đón một Tết Nguyên đán ấm áp và hứng khởi chào đón một năm mới tươi sáng. 

Nhưng để có một không khí an bình và hạnh phúc ngày hôm nay, quay ngược thời gian 50 năm trước, Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh miền Bắc chính trong những ngày này đang ngập trong bom đạn với hàng trăm “pháo đài bay” B52 của Mỹ. 

Tháng 12 trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết bởi những dấu mốc lịch sử dân tộc: Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không (18-30/12/1972- 12/2022); kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2022); 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2022).

Có thể nói rằng, thế hệ cha anh đã viết nên một câu chuyện cách mạng hào hùng: giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Vậy, ngày hôm nay thế hệ của chúng ta sẽ viết tiếp câu chuyện của cha anh như thế nào? 

Nhân dịp này, chương trình Đối thoại của báo VietNamNet mời bạn đọc theo dõi cuộc trò chuyện với khách mời đặc biệt của tháng 12: 

- Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty FPT Telecom, Tập đoàn FPT. Anh là con trai út của Thiếu tướng- Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Đan.

Xem toàn bộ chương trình Đối thoại tại video sau: 

Đến với VietNamNet trong chương trình Đối thoại nhân dịp kỷ niệm “50 năm Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông Hoàng Nam Tiến (Chủ tịch Công ty FPT Telecom) mang theo bản thảo cuốn sách hồi ký của gia đình, kèm theo đó là bức thư của cha anh - Thiếu tướng Hoàng Đan gửi cho mẹ anh, bà Nguyễn Thị An Vinh cách đây tròn 50 năm.

Năm 1972, tôi mới có 3 tuổi, còn bé lắm. Cảm nhận duy nhất lúc đó là đi sơ tán ở vùng quê thuộc Hà Nội. Sau này, tôi đọc lại hơn 400 bức thư ba và mẹ tôi gửi nhau vào thời kỳ đó và thấy có những điều thật kỳ lạ. 

Bốn tháng trước khi có chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, tháng 8/1972, từ chiến trường ở Trị Thiên Huế, ba tôi đã viết cho mẹ tôi rằng: “Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn và một thời gian nữa, được như anh mong thì tốt, sẽ kết thúc chiến tranh. Năm nay sẽ có một Điện Biên 72, Điện Biên đánh Mỹ”. 

Ba tôi, một vị tướng chiến trận có 46 năm trong quân ngũ, đã dự báo như vậy! Quả thật, chỉ 4 tháng sau, chúng ta đã có “Điện Biên Phủ trên không”. 

Kể lại bức thư “dự cảm chiến thắng” kỳ lạ ấy của cha mình, vị Chủ tịch FPT Telecom đúc rút: Dự cảm này có ở mọi thế hệ. Cũng như cách đây 24 năm, ông Trương Gia Bình, chủ tịch Tập đoàn FPT tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” (năm 1998) để bàn về xuất khẩu phần mềm, khi đó, chính ông cũng không tin là sẽ làm được. 

“Ngày đấy, chưa ai nói về câu chuyện đấy cả và nói ra cũng vô cùng lạ lẫm. Trên thế giới cũng chỉ có Ấn Độlàm xuất khẩu phần mềm, mà Ấn Độ lúc đó cũng chỉ mới bắt đầu làm. Nhưng ở FPT, chúng tôi luôn luôn biết anh Trương Gia Bình là một người vô cùng mơ mộng. Anh luôn luôn có những ước mơ thậm chí là viển vông. 

Thế nhưng, với kinh nghiệm của chúng tôi, những ước mơ ấy, có thể nó đến đúng lúc, có thể nó đến chậm vài năm nhưng lần nào những ước mơ ấy của anh Bình, những ước mơ mà mọi người có thể nói là viển vông thì đều thành hiện thực” , ông Tiến nói. 

Theo ông Tiến, ở Việt Nam, FPT đã trở thành người làm thuê vĩ đại. Nhưng bây giờ, FPT đã đi ra 27 quốc gia và chuẩn bị đón nhân sự thứ 30.000 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm. 

Ông kể: “Khi đi ra nước ngoài chứng kiến những sản phẩm của những công ty công nghiệp hàng đầu thế giới sử dụng các phần mềm, chúng tôi đã đặt cho mình một mục tiêu rất lớn là đến ngày nào đấy, mình phải tự làm được những sản phẩm mà chúng tôi gọi là “Make in Vietnam- Made by FPT”. 

“Ngày hôm nay, chúng tôi đã bắt đầu làm được những sản phẩm thực sự thế giới đã phải dùng, thực sự những hãng công nghiệp, công nghệ hàng đầu thế giới đã phải dùng, nhưng vẫn còn rất nhỏ”, ông Tiến chia sẻ với niềm tự hào.

Không đoàn kết, không cùng ý chí, không cùng mục tiêu, không kỷ luật và sáng tạo như người lính thì không làm được điều này.

Song với ông, bài học sâu sắc nhất từ cha mình và từ những vị tướng trong quân đội chính là bài học về niềm tin chiến thắng!

“Năm 1954, ba tôi có gửi thư cho mẹ tôi và nói rằng: “Chiến thắng anh về sẽ cưới em”. 

Đến năm 1975, trong bức thư gửi mẹ tôi vào ngày mùng 1/4, dòng cuối cùng ba tôi viết “Anh vẫn khỏe. Hẹn gặp em trong ngày chiến thắng”. 

Chính ba tôi chắc cũng không thể ngờ 29 ngày sau (30/4/1975), ba tôi chính là vị chỉ huy đơn vị xe tăng đánh dọc theo xa lộ Biên Hòa vào chiếm Dinh Độc Lập, bắt sống toàn bộ chế độ cũ, cắm ngọn cờ chiến thắng trên nóc Dinh Độc Lập. 

Những điều ấy đã làm cho cá nhân tôi luôn luôn hiểu rằng mình làm bất kỳ điều gì, mình phải đặt mục tiêu đủ lớn lao. Nói câu chữ thì người ta hay gọi là sứ mệnh. Nhưng cá nhân tôi thì nghĩ là đặt mục tiêu đủ lớn, dành toàn bộ tâm sức để làm điều đấy và đặc biệt phải có một niềm tin, niềm tin rằng mình sẽ làm được. Cũng như ba tôi có một niềm tin chắc chắn sẽ chiến thắng để về hôn vợ, để cưới vợ. 

Xâu chuỗi 3 thế hệ, ông Tiến tin rằng, hệ trẻ gen Z giờ đang tiếp bước cha ông xưa, đặt hạnh phúc cá nhân gắn với hạnh phúc của dân tộc.

“Có những chàng trai trẻ đã có tài sản hàng chục triệu USD, rất giàu. Nhưng tôi thấy chưa bao giờ họ hưởng thụ. Họ lao động còn nhiều hơn tôi. 15-20 tiếng mỗi ngày, luôn học cái mới mỗi ngày và họ quyết tâm làm được những điều mà nói thật thế hệ như bọn tôi chưa làm được. 

Mỗi một thế hệ có dấu ấn của mình và chúng tôi tin rằng những thế hệ trẻ chắc chắn sẽ vượt chúng tôi”, ông Tiến nói.

Ông nhắc lại chia sẻ của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Cái ngón tay có thể bóp cò súng AK, giờ này có thể dùng bàn phím. Cái tay mà cầm quả lựu đạn, giờ này cũng có thể nắm được con chuột máy tính. Trí tuệ ngày xưa dành để đánh giặc, ngày nay trí tuệ dùng để chinh phục thế giới.

Năm 2022, Việt Nam dự kiến đạt thành tích xuất sắc về xuất khẩu với tổng kim ngạch 2 chiều là 700 tỷ USD. 

Nhưng ông Tiến nói: “Chúng ta sẽ không chỉ xuất khẩu những sản phẩm đang làm như điện thoại, máy tính, các thiết bị điện tử do những hãng nước ngoài đặt nhà máy tại Việt Nam, chúng ta không chỉ xuất khẩu những hạt gạo, những con tôm, rau xanh ra nước ngoài, chúng ta còn xuất khẩu được nhiều hơn thế. Nhưng bây giờ, không thể dùng chữ “xuất khẩu”, mà phải nói về sự “chinh phục”.

Ông nhấn mạnh: “Hào khí hôm nay không phải nói chuyện câu chữ. Chúng ta phải làm ra sản phẩm, phải làm ra dịch vụ, phải làm ra tiền, được quy về tiền bằng với thế giới”.

“Cái đích đến năm 2045 - một Việt Nam hùng cường thịnh vượng cũng rất nhanh. Muốn đến 2045, chúng ta phải đến 2025 rồi 2035. Và quan trọng hơn, cần nói đến ngày mai chúng ta sẽ làm gì?", ông Tiến chia sẻ.

Thực hiện: Phạm Huyền- Duy Khánh

Ảnh: Lê Anh Dũng

Truyền hình: Huy Phúc- Xuân Quý- Bạt Tuấn

Thiết kế: Nguyễn Ngọc