“Số hóa cuộc sống thường nhật: Các dịch vụ công và nội dung tạo động lực chuyển đổi số” là chủ đề được các Bộ trưởng và chuyên gia bàn thảo chiều ngày 14/10.

Phiên thảo luận bàn tròn diễn ra trong ngày cuối cùng trong chuỗi sự kiện của Hội nghị và Triển lãm Thế giới số - ITU Digital World 2021 do Bộ TT&TT phối hợp Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) tổ chức. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm và Tổng thư ký ITU Houlin Zhao tham dự thảo luận.

Đại dịch mang đến cơ hội số hóa chưa từng có

Theo bà Sulyna Abdullah, Giám đốc Trung tâm Tri thức số hoá (ITU-D), dù quá trình chuyển đổi số đã được các quốc gia bắt tay thực hiện từ trước, nhưng dịch Covid-19 đã đẩy nhanh quá trình này, khi mọi lĩnh vực đều được đưa lên môi trường số.

{keywords}
Hội nghị bàn tròn của các Bộ trưởng ITU chiều ngày 14/10. Ảnh: Lê Anh Dũng

Chia sẻ quan điểm này, ông Iurie Turcanu, Phó Thủ tướng về Số hóa của Moldova cho biết, dù đã thử nghiệm cách đây hơn 10 năm, nhưng 2 năm qua diễn ra một cách đặc biệt khi các dự án số do chính phủ thực hiện đã chạm tới cuộc sống thường nhật của mọi người dân. Ông cũng cho biết, quá trình số hóa có thể hỗ trợ xóa bỏ những thách thức trong đại dịch, khi các công ty phải đóng cửa, nhiều người bị mất việc làm, cô lập và có nguy cơ đói nghèo.

“Chúng tôi đã tái phát triển các dịch vụ, hướng vào các dịch vụ công trực tuyến. Chính phủ đang hỗ trợ quá trình này bằng cách mở dữ liệu và quy trình, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có cơ hội quốc tế hóa thông qua quá trình số hóa”, ông Iurie Turcanu nói.

Chia sẻ về những tác động mạnh mẽ của đại dịch tại Rwanda, bà Paula Ingabrie, Bộ trưởng Bộ CNTT và sáng tạo quốc gia này cho rằng thay đổi thể hiện rõ nhất ở các ngành dịch vụ và nội dung số.

“Ngành dịch vụ tài chính phát triển bùng nổ, khi mọi người phải giữ khoảng cách. “Chúng tôi đã ghi nhận tốc độ giao dịch số tăng gấp 4 lần, đến cuối năm nay sẽ gấp 10 lần”, bà Paula Ingabrie nói.

Trong lĩnh vực y tế, bà Ann Aerts, Giám đốc, Novartis Foundation đánh giá, chỉ trong vài tháng qua, việc tăng tốc số hóa các dịch vụ y tế đã đạt kết quả bằng cả 10 năm. “Chúng ta đã tiến nhanh chưa từng thấy, ngoài dự đoán bởi tình thế bắt buộc trong bối cảnh đại dịch”. Phân tích kỹ hơn, bà Ann Aerts cho biết, ở các quốc gia, hệ thống y tế thụ động đã được phát triển thành các hệ thống chủ động dự đoán và có thể điều chỉnh để bảo vệ sức khỏe người dân.

“Coi số hóa là cơ hội để mang tới các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe theo cách mới. Trong đó, chúng là một phần không thể thiếu của hệ thống y tế quốc gia”, bà Ann Aerts nói.

Động lực từ số hóa khu vực công

Ông Eisa Zarepour, Giáo sư Đại học Khoa học và Công nghệ Iran đánh giá, CNTT-TT đóng một vai trò quan trọng trong việc số hóa các dịch vụ công và mở đường cho việc quản trị các dịch vụ hiệu quả, thuận tiện hơn.

“Đại dịch Covid-19 đã chứng minh tầm quan trọng của việc sử dụng CNTT để chuyển đổi chính phủ một cách minh bạch, đáng tin cậy bằng cách đưa các dịch vụ của chính phủ trực tuyến”, ông này nói.

Chương trình số hóa quốc gia của chính phủ liên bang Iran đang được thực hiện, với mục đích ràng buộc các cơ quan chính phủ phải thiết kế hiệu quả các kế hoạch và dự án liên quan đến Internet.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tham dự hội nghị. Ảnh: Lê Anh Dũng

Iran đã sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để xác thực trực tuyến người dùng nhằm tận dụng từ xa các dịch vụ trực tuyến của chính phủ. Tháng 8 vừa qua, hơn 300 cơ quan chính phủ đã kết nối hoặc được kết nối với chính phủ thông qua GSP với hơn 500 loại hình dịch vụ. Iran cũng cung cấp kết nối di động cho khoảng 80% khu vực nông thôn và làng mạc. Thành tựu này mở đường cho việc thành lập chính phủ điện tử tại quốc gia này.

Số hóa khu vực công mang đến động lực và các chính phủ cũng giữ vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số ở các quốc gia. Theo ông Oshada Senanyake, Cục trưởng Cục Viễn thông, Sri Lanka, chính phủ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi số. “Mỗi nước có cách tiếp cận khác nhau để giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số phục vụ người dân, nhưng quan trọng hơn là chuyển đổi các dịch vụ công lên trực tuyến để cung cấp tiện ích tốt hơn cho người dân”, ông nói.

Srilanka đã đảm bảo quyền tiếp cận cơ bản cho người dân với mục tiêu đến năm 2023 tất cả nước sẽ có kết nối băng thông rộng. Bằng nỗ lực của mình, Srilanka cũng đảm bảo khu vực vùng sâu vùng xa cũng có kết nối 4G, trạm phát sóng có thể đảm bảo 4.000 kết nối cùng lúc. Quốc gia này đảm bảo cho 4,3 triệu học sinh được kết nối và có thể truy cập Internet miễn phí ở tất cả các cơ sở giáo dục của chính phủ. Các dịch vụ này được cung cấp miễn phí vĩnh viễn như một chìa khóa để kết nối mọi người và tạo ra chuyển đổi số.

Theo Ngoại trưởng, toàn quyền chính Phủ về An toàn thông tin Ba Lan, Janusz Cieszyński: Chính phủ Ba Lan đã theo đuổi chiến lược số hóa từ cách đây vài năm và hiện quá trình này đã bắt đầu mang lại thành quả, khi sức mạnh của số hóa đã giúp Ba Lan chống chịu và vượt đại dịch Covid-19.

Chính phủ Ba Lan đã đơn giản hóa các dịch vụ để tạo thuận lợi cho người dân tham gia: “Càng nhiều dịch vụ càng phức tạp càng khó cho chuyển đổi số. Do đó, chúng tôi đã hợp nhất toàn bộ để thành một dịch vụ đơn giản, cho phép chính phủ làm việc hiệu quả hơn. Điều này đã giúp đẩy nhanh tốc độ giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho người dân, và thông tin định danh của người dân được lưu trữ quốc gia”, ông nói.

Theo chia sẻ của ông Janusz Cieszyński, Ba Lan có 123 dịch vụ công được yêu thích. Cách đây vài tuần, quốc gia này đã triển khai một dịch vụ theo dõi tiêm chủng trực tuyến dựa vào một hệ thống gọi là nền tảng đám mây; ứng dụng sổ sức khỏe điện tử cũng trở thành một công cụ hữu hiệu để theo dõi sức khỏe người dân Ba Lan.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng trong quá trình chuyển đổi số, các chính phủ phải đối mặt với thách thức khi chi phí tăng cao trong khi các dịch vụ số vẫn cần phải duy trì.

Chia sẻ tầm nhìn của mình, Tổng thư ký ITU Houlin Zhao cho rằng, cần nhìn vào tác động lớn của ngành ICT với đời sống hàng ngày. “Chưa bao giờ ICT có vai trò quan trọng như ngày hôm nay, giúp thế giới phát triển tốt đẹp hơn”.

Tổng thư ký ITU cũng một lần nữa nhấn mạnh tới vai trò dẫn dắt của các chính phủ. “Các chính phủ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển dịch vụ số mà còn định hướng phát triển”, ông nói.

Số hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ: Xương sống của nền kinh tế

Ở hầu hết các quốc gia, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang là xương sống của nền kinh tế. Do đó, đây cũng là đối tượng được tập trung để chuyển đổi số tại nhiều quốc gia.

Ông Vojin Mitrovic, Bộ trưởng Thông tin và Giao thông Bosnia và Herzegovina cho biết, tiềm năng phát triển kinh tế ở mỗi quốc gia hiện nay phụ thuộc vào tiềm năng con người và lợi thế của kết nối số. Đây là chìa khóa để tạo ra một thế giới số mới.

{keywords}
Nhiều diễn giả tham gia hội thảo trực tuyến. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ông này đánh giá, các công ty tư nhân đang đẩy nhanh tiến trình này hơn bao giờ hết. Họ đã có tác động đáng kể đến đời sống, công việc và gia tăng cơ hội và tính linh hoạt của mô hình kinh doanh. Do đó, tất cả các quyết định của chính phủ phải thúc đẩy tiềm năng chuyển đổi số và kỹ năng số, với mục tiêu chuyển đổi nhanh hơn và tốt hơn, hỗ trợ cho sự phát triển dịch vụ số.

Chia sẻ quan điểm của mình, bà Paula Ingabrie (Rwanda) cũng cho rằng, số hóa doanh nghiệp vừa và nhỏ mới là xương sống cho toàn bộ nền kinh tế. Vì thế, khi đối phó với đại dịch, Chính phủ có một nền tảng duy nhất để giúp các doanh nghiệp này đẩy nhanh tốc độ số hóa trong bối cảnh đất nước giãn cách.

Tổng thư ký ITU Houlin Zhao cũng nhấn mạnh, các quốc gia đang dựa nhiều vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và thách thức lớn là phản ứng và phục hồi sau đại dịch. Đây chính là cơ hội lớn để tăng tốc chuyển đổi số.

"Càng nhiều người dùng càng đem lại nhiều lợi ích, sức mạnh chuyển đổi số càng lớn hơn bao giờ hết. Vì thế các chính phủ, ngành công nghiệp cần đảm bảo cơ hội truy cập công bằng cho tất cả mọi người. Chúng ta cũng cần tăng các sản phẩm cạnh tranh nếu không sẽ đánh mất cơ hội vàng này", ông Houlin Zhao nói. 

Nhóm phóng viên

Tổng thư ký ITU: "Con đường tự chủ công nghệ đưa Việt Nam thành công vượt tầm khu vực"

Tổng thư ký ITU: "Con đường tự chủ công nghệ đưa Việt Nam thành công vượt tầm khu vực"

Tổng thư ký ITU Houlin Zhao đánh giá, nhờ nhận thức rõ vai trò của ICT, lựa chọn con đường tự chủ công nghệ đã mang lại những thành công vượt tầm khu vực cho Việt Nam.