Hội Tin học Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, ảnh hưởng lớn

Ngày 6/1, tại Hà Nội, Hội Tin học Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 9, nhiệm kỳ 2023 – 2028, với sự tham dự của 154 đại biểu đại diện cho cộng đồng những người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy, quản lý, kinh doanh, phổ biến và ứng dụng CNTT-TT (ICT) trên cả nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Hội Tin học Việt Nam có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng nhiều cán bộ lão thành ngành ICT nước nhà. Ảnh: Lê Anh Dũng

Sau 35 năm thành lập, Hội Tin học Việt Nam đã có gần 50.000 hội viên cá nhân, 36 hội thành viên các tỉnh thành, 27 chi hội trung ương cùng hàng ngàn đơn vị hội viên. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá, Hội Tin học Việt Nam là hội lớn, có uy tín, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực ICT. Quá trình phát triển của hội gắn liền và đồng hành với sự nghiệp đổi mới đất nước và chặng đường đưa Việt Nam từ một nước nghèo trở thành nước thu nhập trung bình. 

Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ 8 Bùi Mạnh Hải. Ảnh: Lê Anh Dũng

Tuyên bố khai mạc, TS Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ 8 nhận định, thế giới đang trong kỷ nguyên số hóa, cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việt Nam đang đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số. Thực tế này đặt ra cho Hội Tin học Việt Nam nhiều nhiệm vụ cần được nghiên cứu, thực hiện một cách tích cực. 

Theo báo cáo của Ban chấp hành nhiệm kỳ 8, nhìn lại bức tranh tổng thể từ 2017 - 2022, dù khó khăn nhưng ngành CNTT Việt Nam vẫn phát triển tương đối ổn định.

Đặc biệt, trong hoàn cảnh dịch bệnh, suy thoái kinh tế, lạm phát khó khăn, ngành ICT vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với các ngành kinh tế khác

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trao Bằng khen cho 2 tập thể và 1 cá nhân xuất sắc của Hội Tin học Việt Nam. Ảnh: Lê Anh Dũng

Ở góc độ của Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam, Tổng thư ký Nguyễn Quyết Chiến cho rằng hoạt động nổi bật của Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ vừa qua là đã tham gia tích cực vào công tác tư vấn, phản biện xã hội, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, các chiến lược, đề án thúc đẩy phát triển ngành CNTT và chuyển đổi số nước nhà.

Cũng theo ông Nguyễn Quyết Chiến, một hoạt động nổi bật nữa của Hội Tin học Việt Nam còn là việc định kỳ hàng năm tổ chức cuộc thi Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam và Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ICPC với nhiều cách làm sáng tạo, thu hút được nhiều sinh viên CNTT tham gia. Qua đó, đã góp phần tìm kiếm tài năng và thúc đẩy khả năng hội nhập quốc tế của sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực ICT. 

Ghi nhận những thành tích xuất sắc của các tập thể, cá nhân thuộc Hội Tin học Việt Nam thời gian qua đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành ICT nước nhà, Bộ TT&TT đã tặng Bằng khen của Bộ trưởng cho Hội Tin học TP.HCM; Công ty cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng; ông Nguyễn Tri Huy, Phó Chủ tịch Hội Tin học Khánh Hòa.

Góp sức phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số

Về định hướng phát triển của Hội Tin học Việt Nam, ông Nguyễn Long, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đã điểm ra 10 định hướng chính giai đoạn 2023 – 2028, trong đó có việc gắn kết khối Đào tạo - Nghiên cứu và khối Doanh nghiệp CNTT để hình thành các giải pháp và mô hình cụ thể nhằm bồi dưỡng, kết nối nguồn nhân lực CNTT trẻ, chất lượng cao góp phần đẩy mạnh các định hướng KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội định hướng kinh tế số và xã hội số.

Cùng với đó, hoàn thiện cơ cấu tổ chức cơ bản của Hội theo hướng chú trọng công tác phát triển hội viên và nâng cao  tính chuyên môn, chuyên nghiệp và bền vững của bộ máy lãnh đạo; bảo vệ quyền lợi hội viên theo các nhóm đối tượng; tích cực thực hiện các hoạt động xã hội nghề nghiệp của Hội; duy trì và phát triển khối liên minh giữa Hội Tin học Việt Nam và các Hội Tin học thành viên…

Đại hội lần 9 của Hội Tin học Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028, cũng đã tiến hành bầu ra Ban chấp hành mới gồm 35 thành viên.

Ban chấp hành nhiệm kỳ 2023 – 2028 của Hội Tin học Việt Nam. (Ảnh: N.Tuấn)

Nói về chặng đường mới của Hội Tin học Việt Nam, người đứng đầu ngành TT&TT nhắc Hội nhớ về người chủ tịch đầu tiên - Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phan Đình Diệu, về mục tiêu ban đầu cũng như phương châm hoạt động “Đoàn kết - Hợp tác vì sự phát triển CNTT-TT Việt Nam”.

“Bất kỳ ai, bất kỳ tổ chức nào muốn đi xa thì cũng phải nhớ lấy và giữ lấy sứ mệnh ban đầu, giá trị cốt lõi ban đầu. Mỗi thế hệ đều phải kế thừa quá khứ, mở ra tương lai, và kể được câu chuyện của thế hệ mình. Nhưng không quên sứ mệnh ban đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng muốn Hội Tin học Việt Nam sẽ lĩnh ấn tiên phong trong cuộc cách mạng số. Ảnh: Lê Anh Dũng

Cũng theo Bộ trưởng, Hội Tin học Việt Nam muốn tiếp tục phát triển mạnh, có uy tín và ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực ICT thì con người của Hội phải xuất sắc, hoạt động của Hội phải xuất sắc và ngân sách của Hội cũng phải xuất sắc. 

Chia sẻ với các đại biểu về tầm quan trọng của công nghệ số, chuyển đổi số và những chuyển dịch quan trọng 10 năm tới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong rằng Hội Tin học Việt Nam hãy mở một trang mới trong lịch sử phát triển của mình, đó là trang về công nghệ số và chuyển đổi số. Hãy khởi đầu một chặng đường mới, chặng đường Đoàn kết - Hợp tác vì sự nghiệp phổ cập công nghệ số để xây dựng một Việt Nam số.

Trên cơ sở điểm ra những việc ngành TT&TT đã làm được trong năm 2022 cùng những định hướng hoạt động lớn trong năm 2023, Bộ trưởng nêu vấn đề Hội Tin học Việt Nam sẽ đóng vai trò gì trong bức tranh đó, sẽ nhận trách nhiệm gì trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia, chuyển đổi Việt Nam thành một quốc gia số?

“Việt Nam chúng ta phải đi đầu trong cuộc cách mạng số để thay đổi thứ hạng, để trở thành nước phát triển. Với lực lượng rộng khắp các tỉnh thành, với các hoạt động phong phú, phủ rộng mọi đối tượng, Hội Tin học Việt Nam hãy “lĩnh ấn” tiên phong”, Bộ trưởng nhấn mạnh.