Một tài liệu mới công bố cho thấy Zhipu Technology Thâm Quyến, một công ty con của thương hiệu Gionee, đã bí mật cài Trojan horse vào các mẫu điện thoại của hãng này và biến chúng thành công cụ cày tiền thông qua những hình thức quảng cáo khác nhau.  

{keywords}
Hơn 26 triệu điện thoại thương hiệu Gionee bị cấy mã độc.

Cụ thể, từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, 26,52 triệu điện thoại di động Gionee đã bị nhiễm mã độc và trở thành công cụ để các cá nhân, doanh nghiệp thu tiền bất hợp pháp. Phương thức hoạt động thông qua việc cập nhật phiên bản phần mềm “Story Lock Screen” trên điện thoại di động Gionee, chương trình Trojan horse được cấy vào cùng với ứng dụng được cập nhật tự động và người dùng không hề hay biết về điều này.

Sau đó, những thiết bị Gionee sẽ nhận được lệnh pull live và liên tục xuất hiện các hiện tượng bất thường như không diệt được virus, key bị lỗi không lý do hoặc tự động tải các phần mềm rác. Cuối cùng, những thiết bị đã bị cấy mã độc này sẽ liên tục xuất hiện các chương trình quảng cáo dù đã chặn thông báo ứng dụng.

Theo nội dung báo cáo, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2018 đến tháng 10/2019, các điện thoại Gionee đã thực hiện 2,884 tỷ lần kích hoạt quảng cáo và mang về 27 triệu NDT cho các tổ chức, cá nhân liên quan. Red Star News hôm 5/12 đề cập rằng, theo điều tra của Tòa án nhân dân thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang công bố ngày 30/11, ngoài sự tham gia của công ty con điện thoại di động Gionee, Công ty Zhipu Thâm Quyến và Công ty TNHH Công nghệ Zhuhai Meizu cũng đã hợp tác với Công ty TNHH Công nghệ Meizu để thực hiện hành vi vi phạm này.

Gionee chính thức nộp đơn xin phá sản vào đầu tháng 12/2018 nhưng sau đó vẫn hoạt động cầm chừng cho đến hiện tại. Và qua khảo sát nhanh của ICTnews, một số mẫu điện thoại thương hiệu Gionee hiện vẫn được bán ra tại thị trường Việt Nam.

{keywords}
Hiện vẫn có khá nhiều mẫu điện thoại Gionee được bán ra tại thị trường Việt Nam.

Mặc dù nguyên nhân của toàn bộ sự cố là do điện thoại di động Gionee gây ra, tuy nhiên Meizu cũng không thoát khỏi liên quan và đang được các nhà chức trách điều tra. Trong một tuyên bố mới đây, đại diện Meizu lên tiếng khẳng định: “Meizu kiên quyết hoạt động hợp pháp và không tham gia vào các vụ việc bất hợp pháp liên quan. Trong tương lai, chúng tôi sẽ tiếp tục đào sâu mảng kinh doanh bảo mật điện thoại di động để đảm bảo an toàn thông tin điện thoại di động”.

Dù Meizu có thực sự liên quan đến vụ việc này hay không, nhưng nhiều nghi vấn đã được đặt ra bởi có thể Gionee không phải là trường hợp duy nhất. Các thương hiệu khác đều có thể gặp phải tình huống tương tự và cộng đồng mạng vẫn đang chờ đến ngày sự việc bị phanh phui

Sự cố này một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những người sử dụng điện thoại di động, nếu phát hiện thấy sự bất thường trong hệ thống, hãy kiểm tra kịp thời để có phương án dự phòng đảm bảo quyền riêng tư cũng như lợi ích hợp pháp của mình. Có thể xác định điện thoại bị cấy mã độc hay không bằng cách kiểm tra thông qua các phần mềm diệt virus, khi thấy thiết bị gặp tình trạng không thể tắt ứng dụng hoặc tự động tải về phần mềm lạ.

Ngoài ra, chỉ nên tải về ứng dụng cho thiết bị trên các cửa hàng đáng tin cậy. Bỏ thiết lập đồng ý mặc định cho việc tải về các ứng dụng hoặc cài đặt quyền riêng tư như truy cập vị trí, thông báo, đọc danh bạ và lịch sử cuộc gọi…Nếu thấy điện thoại có những hoạt động đáng ngờ hay đột ngột trở nên chậm hoặc đơ, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của kỹ thuật viên chuyên nghiệp để xác định tình trạng cụ thể của điện thoại.

Phong Vũ

Tội phạm mạng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD

Tội phạm mạng khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD

Theo một nghiên cứu do công ty phần mềm an ninh McAfee thực hiện đã chỉ ra tội phạm mạng là nguyên nhân khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD trong năm 2020.