{keywords}
 

Theo Nikkei, Huawei và ByteDance (công ty mẹ TikTok) rót nhiều tiền hơn để vận động hành lang chính phủ Mỹ trong quý II so với quý I. Động thái diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa giữ, vừa bỏ các chính sách khác nhau của người tiền nhiệm Donald Trump nhằm vào doanh nghiệp Trung Quốc.

Các cuộc chuyển giao quyền lực cũng là thời điểm chuyển giao với K Street – cộng đồng vận động hành lang tại Washington. Lúc này, xuất hiện nhiều gương mặt mới, quen thuộc với chính quyền mới hơn. Theo ông Ben Freeman, Giám đốc Sáng kiến minh bạch Ảnh hưởng nước ngoài tại Trung tâm Chính sách quốc tế, “dù là cơ hội hay khủng hoảng, K Street đều thắng”.

Với Huawei, khoản chi phản ánh cuộc khủng hoảng mà công ty đang gánh chịu khi chính quyền ông Biden mở rộng các lệnh cấm của ông Trump. Theo kế hoạch hạ tầng của ông Biden, Huawei bị loại bỏ khỏi gói chi tiêu băng rộng trị giá 65 tỷ USD.

Không lâu sau khi ông Biden thắng cử Tổng thống Mỹ, Giám đốc Công nghệ Huawei bày tỏ hi vọng quan hệ tốt hơn với Mỹ dưới thời tân Tổng thống. Tháng 5, Phó Chủ tịch cấp cao Huawei Vincent Peng mời chính quyền mới đối thoại.

Có rất ít bằng chứng cho thấy cuộc đối thoại có thể diễn ra. Tuy nhiên, chi phí vận động cao hơn nhiều của Huawei – hơn 1 triệu USD trong quý II so với gần 200.000 USD trong quý I – cho thấy gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc vẫn tiếp tục lạc quan.

Một nguồn tin của Nikkei tiết lộ Huawei đang liên hệ với nhiều cố vấn quan hệ chính phủ và nhà vận động hành lang để giúp chính quyền ông Biden và công ty phát triển sự hiểu biết lẫn nhau sâu sắc hơn.

Đây cũng là khoản chi vận động theo quý lớn nhất của Huawei từ năm 2019, khi chính quyền cựu Tổng thống Trump đưa công ty vào danh sách đen thương mại. Năm nay, Huawei đã chi gấp đôi chi phí cả năm 2020.

Huawei không phải công ty duy nhất mở hầu bao. ByteDance và TikTok bỏ ra 1,95 triệu USD trong quý II, tăng từ 810.000 USD quý I. Không như Huawei, ByteDance đang ở vào thế thuận lợi hơn tại Mỹ. Vào tháng 6, Tổng thống Biden ký sắc lệnh hành pháp thu hồi các lệnh cấm trước đó của ông Trump nhằm vào TikTok và WeChat.

Theo tính toán của tổ chức phi lợi nhuận OpenSecrets, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là các nước chi vận động hành lang cao nhất từ năm 2016 tới nay.

Du Lam (Theo Nikkei)

Mỹ chốt phương án loại bỏ và thay thế thiết bị viễn thông Huawei, ZTE

Mỹ chốt phương án loại bỏ và thay thế thiết bị viễn thông Huawei, ZTE

Hôm 13/7, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) chốt chương trình 1,9 tỷ USD nhằm loại bỏ và thay thế thiết bị của hai công ty Trung Quốc bị xem là nguy cơ an ninh quốc gia.