{keywords}
Tài xế Gojek và Grab tại Indonesia. (Ảnh: Jakarta Post)

Theo Bloomberg, hai dịch vụ gọi xe lớn của Đông Nam Á là Grab và Gojek đang đàm phán sáp nhập. Tuy nhiên, các quan chức và chuyên gia cảnh báo một vụ sáp nhập như vậy sẽ dẫn tới độc quyền thị trường. Độc quyền gây ra việc bán phá giá, cản trở người chơi mới xâm nhập thị trường hoặc quyền kiểm soát giá nằm trong tay một người chơi duy nhất.

Theo Ủy viên Ủy ban Giám sát cạnh tranh kinh doanh (KPPU) Indonesia Guntur Saragih, KPPU sẽ đánh giá bất kỳ hành động nào của doanh nghiệp dựa trên tác động của nó đến tập trung thị trường và cạnh tranh hậu sáp nhập. Ông nhận xét hành động của mọi công ty đều có thể ảnh hưởng đến cấu trúc thị trường, đặc biệt là các vụ sáp nhập, mua bán trong ngành dọc. Nếu Grab – Gojek thực sự sáp nhập, Ủy ban cần được thông báo không muộn hơn 30 ngày sau khi sáp nhập có hiệu lực.

Chỉ có một số công ty gọi xe đang hoạt động tại Indonesia, đặc biệt trong lĩnh vực xe ôm công nghệ. Ngoài Gojek và Grab, công ty Maxim của Nga cũng có mặt tại đây từ năm 2018. Cùng năm này, Grab mua lại hoạt động của Uber tại Đông Nam Á. Theo hãng nghiên cứu thị trường Statista, Gojek đứng đầu thị trường gọi xe trong nước với 79% thị phần năm 2018, tiếp đến là Grab với 14,7% và Uber 6,11%.

Tháng 9 năm nay, một Ủy viên KPPU khác, Kurnia Toha, cho biết KPPU đang phát triển hệ thống báo cáo hậu sáp nhập, yêu cầu các công ty phải thông báo cho KPPU về thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A). Theo ông, về mặt kỹ thuật, KPPU có thể hủy bỏ M&A ảnh hưởng xấu đến thị trường, tuy nhiên điều đó cũng gây tổn hại đến các bên liên quan. Vì vậy, họ chưa bao giờ làm như vậy.

Tin đồn về vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek nổi lên sau khi Masayoshi Son, Tổng Giám đốc điều hành tập đoàn Softbank, cổ đông lớn của Grab, ghé thăm Indonesia vào tháng 1. Song chưa có ai lên tiếng chính thức về vấn đề.

Gần đây, đồng sáng lập kiêm CEO Grab Anthony Tan thông báo với nhân viên trong biên bản nội bộ về việc công ty có khả năng mua lại đối thủ. Trong biên bản mà Reuters có được, ông Tan nói Grab đang ở vị thế mua lại công ty khác.

Chiều ngược lại, hai đồng CEO Gojek Kevin Aluwi và Andre Soelistyo viết trong thư gửi nhân viên rằng họ không có lý do cấp bách nào để thực hiện sáp nhập như truyền thông đưa tin. “Danh sách nhà đầu tư của chúng ta là sự ghen tị của bất kỳ công ty chưa IPO nào trên thế giới, với Google, Tencent, Facebook, PayPal và nhiều người khác tiếp tục đứng sau chúng ta”, thư có đoạn.

Theo Trợ lý nghiên cứu Kimberly Tanos của Viện Phát triển Tài chính và Kinh tế Indonesia (Indef), thị trường vận tải trực tuyến Indonesia tập trung vào hai người chơi lớn. Một vụ sáp nhập giữa hai công ty có thể mang đến độc quyền thị trường, vì vậy KPPU cần có nghiên cứu sâu rộng về khả năng này. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào về hành vi độc quyền, họ sẽ không được “bật đèn xanh”.

Kimberly nhận xét sáp nhập sẽ có mặt tích cực vì cả hai bên có thể chia sẻ hạ tầng, công nghệ, giảm chi phí tiếp thị và vận hành. Song nó lại gây tác động tiêu cực đến khách hàng và đối tác (tài xế) vì đẩy giá lên cao do chỉ có một người nắm thị trường. Với người dùng, họ có thể quay lại xe ôm/taxi truyền thống hoặc sử dụng phương tiện công cộng. Ngoài ra, Kimberly cho rằng thu nhập của tài xế có thể thấp hơn vì họ không có lựa chọn làm việc cho công ty khác.

Trong báo cáo ngày 25/6, hãng Fitch Solutions viết một vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek, dù khả thi từ góc nhìn thương mại, nhưng khó xảy ra. Viễn cảnh nơi một người chơi duy nhất thống trị nhiều phân khúc dịch vụ sẽ đòi hỏi giám sát chống độc quyền.

Du Lam (Theo JakartaPost)

Grab và Gojek đang chốt điều khoản để sáp nhập

Grab và Gojek đang chốt điều khoản để sáp nhập

Thương vụ sáp nhập giữa Grab và Gojek nếu xảy ra sẽ có tác động mạnh tới thị trường dịch vụ gọi xe tại Việt Nam nói riêng và các quốc gia Đông Nam Á nói chung.