- Việt Nam cần sẵn sàng tiếp nhận những cơ hội có một không hai mà mạng Internet mang lại, đồng thời ngăn chặn nguy cơ bị tấn công bằng nhiều cách trên mạng Internet.


Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng viết nhân dịp kỷ niệm ngày kết nối Internet Việt Nam 19/11/1997 – 19/11/2015.

{keywords}

Mạng Internet đang đóng một vai trò then chốt trong việc định hình một thế giới mới, vượt xa sức tưởng tượng và sự hình dung của không chỉ người bình thường mà ngay chính những người đã phát minh ra nó. Việt Nam, với tư cách một quốc gia đang hội nhập ngày càng sâu vào sân chơi khu vực và quốc tế, không phải là ngoại lệ trước thực tế này. Từ ngày chính thức kết nối với mạng Internet vào 19 tháng 11 năm 1997, không gian mạng ảo đã thay đổi nhiều khía cạnh của xã hội Việt Nam, theo cả khía cạnh tích cực lẫn tiêu cực.

Không gian Internet đã phát triển mạnh và là một điểm sáng của Việt Nam trong gần 2 thập kỷ qua. Việt Nam có khoảng 41 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 41% dân số. Việt Nam cũng có khoảng 26 triệu người tiếp cận các mạng xã hội trên thiết bị di động với thời gian 2h trung bình mỗi ngày. Tốc độ tăng trưởng người dùng mạng xã hội ở Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất trong khu vực. Các trang tìm kiếm và mạng xã hội lớn như Youtube, Facebook, Tweeter, Viber đều được tự do hoạt động ở Việt Nam. Internet được mở rộng tới mọi đối tượng người dân, đặc biệt ở vùng núi, nông thôn, biên giới, hải đảo.

Không gian ảo trên mạng Internet đã hình thành một cách độc lập với không gian vật lý, thậm chí trong nhiều trường hợp, xâm chiếm không gian vật lý. Thế giới hiện nay đang chứng kiến một thực tế không thể đảo ngược: các thiết bị điện tử được sử dụng ở khắp mọi nơi, từng cá nhân đều cầm trên tay ít nhất một thiết bị điện tử (điện thoại thông minh) có thể truy cập vào mạng toàn cầu. Những quốc gia/tổ chức/cá nhân nắm trong tay quyền kiểm soát công nghệ Internet có thể giành được lợi thế chiến lược. Chính vì thế, tất cả các thực thể trong hệ thống quốc tế hiện nay từ các cá nhân tới quốc gia đều tìm nhiều cách khác nhau tiếp cận và làm chủ công nghệ mạng ảo để đạt được lợi thế chiến lược. Từ góc nhìn chiến lược đó, Việt Nam cần tiếp cận vấn đề theo một số quan điểm như sau:

Thứ nhất, sự mở rộng của mạng Internet là xu hướng tất yếu. Không thể có một quốc gia, công ty, tổ chức hay cá nhân nào ngăn cản được làn sóng này. Tìm mọi cách cản trở dòng chảy của thông tin trên mạng Internet là việc làm bất khả thi. Thay vì ngăn chặn, một quốc gia văn minh phải biết cách “cưỡi” lên làn sóng mới này, làm chủ cuộc cách mạng thông tin ảo đang thay đổi thế giới hiện nay. Việt Nam cần coi mình là chủ thể thay vì khách thể của công nghệ mạng ảo.

Việt Nam cần thực hiện nhất quán mục tiêu mở rộng và làm chủ Internet để khai thác mạnh hơn nữa những lợi điểm tích cực của mạng ảo. Nhiều cá nhân, công ty, tổ chức ở Việt Nam đã tận dụng được nền tảng mảng ảo để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của họ, mang lại hiệu quả kinh tế lớn. Nhiều doanh nghiệp và thậm chí cá nhân khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet đã đạt được những thành công ở cấp độ toàn cầu như nhà lập trình Nguyễn Hà Đông sáng tạo trò chơi Flappy Bird được toàn thế giới đón nhận và ghi nhận như một hiện tượng nổi bật. Internet phải tiếp tục được khích lệ để đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế dựa trên tri thức mà Việt Nam đang hướng tới.

Thứ hai, xác định những nguy cơ để đối phó và giảm thiểu các những hệ quả tiêu cực của không gian ảo là tối cần thiết. Công nghệ Internet cho phép một số cá nhân có thể tiến hành những cuộc tấn công hoặc xâm nhập mang lại những hệ quả nghiêm trọng. An ninh mạng là cấu phần phức tạp và quan trọng nhất trong an ninh phi truyền thống bởi một cá nhân vô danh chỉ với một máy tính từ một địa điểm vô hình có thể phá huỷ uy tín cá nhân tổ chức hay thậm chí phá huỷ cả một mạng lưới cơ sở hạ tầng hữu hình chỉ bằng một số thao tác máy tính. Ví dụ điển hình nhất là cuộc tấn công Stuxnet vào chương trình hạt nhân của Iran, đã làm chậm và phá vỡ chương trình này với mức độ sánh ngang với cuộc tấn công quân sự hạn chế.

Ở Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến việc một số cá nhân sử dụng blog, website hoặc mạng xã hội để tạo ra nhiều thông tin vu khống, bịa đặt nhằm bôi nhọ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức. Những thông tin không rõ nguồn gốc và không được kiểm chứng như vậy đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín cá nhân và thương hiệu doanh nghiệp cũng như tổ chức. Đây có thể coi là một dạng thức khủng bố bằng Internet nhẹ nhất. Việt Nam cũng đã phải hứng chịu những dạng thức khủng bố mạng nặng nề hơn như tấn công từ chối dịch vụ DDOS, tấn công xâm nhập để nằm quyền kiểm soát hệ thống quản trị mạng. Việt Nam cũng đã trở thành một đối tượng của gián điệp mạng, nguy cơ thông tin cần bảo mật bị “ăn trộm” qua mạng ngày càng hiện hữu rõ ràng.

Nhận thức được nguy cơ này, các quốc gia đều đã thành lập các tổ chức về an ninh mạng. Mỹ đã thành lập “Bộ chỉ huy không gian mạng”. Trung Quốc thành lập “Trung tâm chiến tranh mạng”. Israel thành lập “Lực lượng Chuyên trách không gian mạng” và đơn vị “Chiến binh mạng Israel”…. Người đứng đầu “Bộ chỉ huy không gian mạng” Hoa Kỳ đã dự đoán rằng “cuộc chiến tranh sắp tới sẽ bắt đầu từ không gian ảo”. Việt Nam đã, đang và sẽ phải tiếp tục hình thành một số lực lượng tác chiến mạng để chủ động phòng vệ và đối phó với những nguy cơ này.

Thứ ba, Việt Nam phải tiếp tục ban hành hệ thống pháp luật và quy tắc về hoạt động trên mạng Internet. Những quy tắc về an ninh mạng được nhóm lãnh đạo Diễn đàn Toàn cầu Boston trong đó có sự tham gia của người Việt cần được phổ biến vì một Internet sạch sẽ và tinh khiết. Những quy tắc cần được truyền thông mạnh hơn tới người dân Việt Nam là không phát tán các thông tin chưa được kiểm chứng hay không có nguồn gốc tin cậy, không dùng ngôn ngữ phỉ báng hay bôi nhọ người khác vô căn cứ trong các bình luận trên mạng, không ủng hộ việc sử dụng lợi thế công nghệ để ăn cắp và khủng bố thông tin. Việt Nam hoàn toàn có thể đi tiên phong trong cuộc vận động Vì một Internet Tinh khiết và Trong sạch.

Internet giờ đây không chỉ là một khái niệm công nghệ, môi trường công nghệ. Internet đã trở thành một môi trường văn hoá và giáo dục quan trọng. Việc mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, dành từ 5 tiếng tới 8 tiếng mỗi ngày trước các thiết bị điện tử là một thực tế cho thấy những nội dung từ Internet có thể định hình trình độ văn hoá và giáo dục của con người Việt Nam trong tương lai. Internet tinh khiết và trong sạch đồng nghĩa với con người tinh khiết và trong sạch. Việt Nam phải hướng theo xu thế tích cực này, nhưng đồng thời không mất cảnh giác trước nguy cơ tấn công mạng thậm chí chiến tranh mạng trong tương lai.

Muốn làm được điều đó đòi hỏi không chỉ một hệ thống an ninh mạng mạnh; như thế vẫn chưa đủ, mà mỗi người sử dụng Internet phải xây dựng bức tường lửa cho chính mình.

Nguyễn Văn Hưởng