"Hãy tra gươm vào vỏ, vì kẻ nào dùng gươm sẽ chết vì gươm", đó là câu nói của Chúa Jesus khi thấy một môn đệ của Ngài rút gươm ra đánh lại quan quân của triều đình đến để bắt Ngài. Cuộc đời của Chúa Jesus là một bằng chứng mãnh liệt cho sự hòa giải. Chính xác hơn, Ngài là sự thất bại của cuộc khải hoàn về vũ khí, để lên ngôi một tình yêu thẳm sâu nhất của giá trị con người.

Ngài nói với các môn đệ rằng, hãy tiến về Jerusalem để xem ta chết bị đóng đanh trên thập giá. Trời ơi, các môn đệ theo Ngài, là để được hưởng vinh hoa phú quí của trần gian, được thấy thầy mình giỏi, thấy thầy chiến thắng thế gian, thấy thầy khải hoàn ca, và ta được chia phần. Nhưng mà Ngài lại nói, hãy khải hoàn về nơi đóng đanh ta, như vậy có khác gì một cuộc rút chạy mà vẫn buộc phải nhìn thấy thất bại?

Nhưng tình yêu đích thực ở đời là gì? Yêu người có nhiều tiền ư, dễ lắm, ai chẳng yêu được, nhưng hãy nhìn kia có bao nhiêu kẻ giầu có sa cơ lỡ vận đã bị kẻ hầu người hạ, cho đến chính vợ con xa lìa coi rẻ! Yêu người có quyền ư, dễ lắm, nhưng cũng đã có bao kẻ quyền lực khuynh loát tăng lên cùng những người yêu mình, và cũng sụt lở xuống theo chiếc ghế của mình. Đẹp trai ư, xinh gái ư, có tình yêu dễ lắm...

Vậy thì tình yêu cao cả nhất là tình yêu dành cho một con người đã bị lột sạch, lột nhẵn như chùi. Và Chúa Jesus khi bị treo trên thánh giá với quần áo bị lột sạch từ ngoài vào trong, chỉ còn độc một chiếc khố trên mình, trời ơi, một người là con Đức Chúa Trời, người sáng thế và cai quản cả vũ trụ, mà chịu khuất thân phải chịu nhục hình, chịu đày ải, chịu sa sút đến trắng tay về thân phận, chịu đáng thương vậy sao?

Khi hai bên tham chiến muốn hòa giải thì điều kiện đầu tiên luôn luôn là: anh sẽ đến nơi hòa đàm mà không đem theo vũ khí. Chúa Jesus cũng vậy, Ngài đã tự tước mọi vũ khí, tước mọi ưu quyền nước trời của mình, để tiến hành một cuộc hòa đàm với những thế lực đầy vũ khí bạo lực của trần gian, để đưa ra thông điệp sót lại dưới đáy của tình yêu.

Tình yêu đích thực, giống như những người chồng bị tù đày vì bất công, họ chẳng còn cái gì cả tiền bạc lẫn chức tước, lẫn danh dự bị người đời ruồng rẫy khinh ghét, vậy mà sau nhiều năm trời, người vợ vẫn lận đận tần tảo vào thăm nom tiếp tế cho chồng. Như vậy mới là tình yêu đích thực. Chúa Jesus cũng muốn đưa ra một thông điệp tương tự như vậy, Ngài muốn nói, ta muốn từ bỏ mọi ưu thế con trời để yêu thương nhân loại người trần mắt thịt. Đó hẳn là tình yêu cũng như lời hòa giải lớn nhất.

Cụ thể Ngài dạy: "Hãy yêu người khác như chính mình ngươi", và "Nếu ngươi muốn người khác làm cho ngươi cái gì, thì hãy làm cho họ điều đó". Vậy thì, nếu ta muốn được tặng hoa hồng, ta hãy đem hoa hồng tặng người. Nếu ta muốn uống một cốc nước hãy đem cốc nước cho người. Ta muốn ăn no, muốn mặc ấm, muốn ở nhà lầu, muốn có vợ đẹp, con khôn thì hãy mang tặng hoặc chúc phúc cho người có được điều đó. Trái lại, nếu ta muốn yêm ấm, không muốn chiến tranh, thì đừng có đẩy người khác vào cuộc chiến, đừng cướp đất của người, đừng đánh người, đừng muốn vợ chồng người.

Chúa Jesus còn đưa ra một phương ngôn nổi tiếng để hóa giải triệt để sự tranh giành, thù hận: "Ai tát má bên phải, hãy đưa luôn má trái cho họ, còn nếu ai giật áo ngoài của ngươi, thì cũng đừng ngăn họ lấy luôn áo trong".

Nhân loại cãi cọ, xung đột đánh nhau là do bất đồng chính kiến, cụ thể hơn là do tự cho mình là đúng người khác là sai, sau khi "sư nói sư phải vãi nói vãi hay", thế nào cũng gia tăng tiếng bấc ném đi tiếng chì ném lại, phát sinh mâu thuẫn rồi xung đột. Chúa Jesus dạy: "Ngươi đừng có nhìn thấy cái rác trong mắt người khác mà không nhìn thấy cây đa trong mắt mình". Đó là cách chỉ nhìn thấy lỗi của người dù nhỏ như cái rác, nhưng lại không chịu thấy cái lỗi của mình to như cây đa. Là cách như người Việt nói:

Chân mình còn lấm bê bê

Lại còn cầm đuốc mà rê chân người

Sau khi nhìn người khác bằng cái nhìn định kiến xấu xa, người ta liền đưa ra những phán xét bất công, khiến người khác không chịu liền phản kháng trở lại, dẫn đến những xung đột đáng tiếc, bởi vì một khi lời nói bất lực thì chân tay liền lên tiếng. Muốn tránh được bất đồng và xung đột, con người nhất khoát phải cần đến công lý, bởi chỉ có công lý đứng ra phân giải người ta mới vạch ra, ai có lỗi như cái rác, ai có lỗi như cây đa.

Chúa Jesus dạy về công lý như sau: "Ở đâu có hai ba người nhân danh ta họp lại thì ta ở giữa họ" (Matheus 18-20). Người Việt đã mô tả về tính của công lý như sau: Trời biết , đất biết, quỉ thần biết. Nghĩa là, khi người ta định làm việc gì khuất tất, tưởng có thể giấu diếm được ai, nhưng họ đã lầm, người ta có thể giấu được những người xung quanh, nhưng không thể giấu được trời - lúc nào cũng ngự trị trên đầu, không giấu được đất là chỗ con người luôn dẫm chân lên, và không thể giấu quỉ thần lúc nào cũng có mặt vô hình ở khắp nơi. Người Việt cũng bảo: "Cái kim trong bọc mãi cũng phải tòi ra". Nghĩa là chuyện dù có kín mấy sẽ có ngày bị bại lộ mà thôi, vì thế đừng nên làm điều gì khuất tất, sẽ có ngày bị lôi ra ánh sáng mà thân bại danh liệt.

Chúa Jesus thì công bố chắc về con đường của sự thật và công lý: "Cái gì nghe trong bóng tối hãy nói nơi sáng sủa, sự gì nghe thì thầm trong tai hãy nói trên mái nhà". Chúa được mệnh danh là Ngôi Lời, nên Ngài rất chú trọng đến chức năng thống soái của lời, giống như triết học phương Tây đã xác định: ngôn ngữ là tư duy. Ngài khuyên bảo mọi người, muốn có công lý chung, thì mọi người phải tuyên xưng mọi việc ra bằng lời, khi đó lời riêng mới gặp ngôn ngữ chung. Người Việt cũng có câu: "Khôn ngoan đến cửa quan mới biết", muốn nói rằng, ra nơi cửa quan công đường, người ta mới chứng tỏ được khả năng đích thực mang tính công lý của mình. Người Việt cũng chê những kẻ "ăn xó mó niêu" là thứ anh hùng nói trong xó bếp chẳng có gì để bàn.

Chúa Jesus còn dạy: Con người không có quyền phán xử lẫn nhau, chỉ có Thiên Chúa mới có quyền phán xử. Tại sao vậy? Vì ở đời mấy ai chịu ai, ai cũng cho mình đúng, ai cũng cho mình tài, "mèo khen mèo dài đuôi" hoặc "thổi kèn khen lấy"... Khi gặp việc lại không dựa trên bât cứ sở cứ nào của công lý , thì làm sao có thể phán xử người khác một cách công bằng.

Trong Kinh Cựu Ước, Chúa Trời còn nói đại khái rằng: Hãy đi lên Jerusalem, nếu tìm thấy một người công chính ta sẽ tha cho cả thành. Lời nói đó có nghĩa, con người nếu không có công lý, thì khác gì bầy ong, bầy kiến...

Nói thế chứ bầy ong và bầy kiến còn biết tạo ra một xã hội rất ngăn nắp, qui củ, và kỷ luật, ong chúa sinh nở, ong thợ xây tổ, ong chiến không hề biết sợ hy sinh lao vào chiến đấu đến đứt nọc mà chết, còn ong truyền giống không hề biết ân ái đào hoa khoái lạc lần đầu cũng là lần cuối để chết... Tất cả đều hoàn thành bổn phận một cách vẹn toàn, không có con nào ganh tỵ, không có con nào chơi xấu, không có con nào lười nhác hay lẩn trốn. Nếu xã hội con người không có công lý, chỉ còn là một tổ chức hỗn quân hỗn quan thì có bằng bầy kiến không? Nếu vậy thì sống cũng để làm gì?

Nhưng Thiên Chúa cũng không phải là đấng cự tuyệt chiến tranh đơn thuần mà chính Ngài lại tuyên xưng: "Đừng tưởng ta đến để đem hòa bình cho thế gian, ta đến không phải để đem hòa bình mà là gươm giáo, ta đến để phân rẽ con trai với cha, con gái với mẹ, nàng dâu với mẹ chồng, và kẻ thù của người ta chính là người nhà của họ". Đây là một đoạn rất khó hiểu của Kinh Thánh, liệu nó có mâu thuẫn với câu "Hãy tra gươm vào vỏ..." hay không?

Chúng ta đều biết có một sự thật mà cả thế giới đã thừa nhận rằng: Người làm cho ta đau nhất chính là người thân ta nhất. Câu này cũng được chính Đại văn hào Shakespeare tuyên ngôn: Những bi kịch của nhân loại phần lớn xảy ra trên giường ngủ. Vậy đó người vợ hay chồng là bạn đời gối ấp má kề nhất của người ta, vậy mà chính người sẽ đem lại bi kịch theo kiểu "anh hùng khó qua ải mỹ nhân".

Tại sao có bi kịch đau khổ này? Vì lẽ: thứ nhất, chỉ có người thân nhất của ta như vợ, hay con, hay đồng nghiệp mới có thể làm ta đau khổ nhất. Thứ hai, trong tất cả các gia đình sẽ không có sự tiến bộ nếu không có vết nứt thế hệ.

Vết nứt thế hệ chính là sự chuyển tiếp bản lề tiến sang một cung độ khác của sự tiến bộ. Con trai phải khác rồi mâu thuẫn với cha, con gái mâu thuẫn với mẹ, con dâu mâu thuẫn với mẹ chồng, vì đó là hai thế hệ khác nhau, và cũng là điều kiện môi trường nền tảng để người ta tiến hành hòa giải.

Vậy thì cái mà Chúa gọi là gươm giáo chính là sự hun đúc của một nội tại tính để tạo ra sức mạnh của dịch chuyển, của tiến bộ. Gia đình không thể tiến bộ bằng cách im hơi lặng tiếng, mà chỉ tiến bộ bằng cách cọ xát lẫn nhau, giống như lửa được thử vàng. Chính các chuyên gia về gia đình mới đây đã phát hiện: việc cãi cọ của các cặp vợ chồng chính là tập võ đối kháng để yêu nhau hơn, và cũng là dấm ớt cho vào thức ăn để ăn ngon hơn.

Nhưng Chúa Jesus cũng dạy: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì thiếu". Khi lúa chín, nếu chúng ta không đem liềm hái gặt lấy, để nó rơi xuống đồng thì thật độc ác và phí phạm. Vậy thì trong gia đình cũng như xã hội, khi thấy liềm hái, thì không có nghĩa là đánh nhau, mà đó chính là giải pháp để người ta gặt lấy những gì chín mọng. Nào lúa, nào nho, nào cá thịt để bày lên bàn tiệc của đời mình.