TIN LIÊN QUAN

Ủy ban Nobel Na Uy cho biết, họ quyết định chọn ông Lưu Hiểu Ba để trao giải Nobel Hòa bình "vì sự đấu tranh lâu dài và phi bạo lực của ông cho những quyền cơ bản của con người ở Trung Quốc".

Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh, họ luôn tin có một sự gắn kết chặt chẽ giữa nhân quyền và hoà bình.

Nobel Hoà Bình 2010
Ông Lưu Hiểu Ba được trao giải Nobel Hòa bình "vì sự đấu tranh lâu dài và phi bạo lực của ông cho những quyền cơ bản của con người ở Trung Quốc".
Như vậy, ngoài huy chương vàng, giấy chứng nhận đoạt giải Nobel Hoà bình 2010, ông Lưu Hiểu Ba sẽ là chủ nhân của khoản tiền thưởng 10 triệu knonor Thụy Điển (khoảng 1,5 triệu USD).

Hồi tháng 3, Viện Hoà bình Na Uy từng thông báo đã nhận được số lượng đề cử kỷ lục cho giải Nobel Hoà bình 2010 với 237 ứng viên, nhiều hơn năm ngoái 32 đề cử. Trong số các đề cử có 199 cá nhân, 38 tổ chức.

Ngay trước lễ công bố chủ nhân giải Nobel Hoà bình 2010 tại Oslo, Chủ tịch Uỷ ban Nobel Na Uy Thorbjoern Jagland từng tiết lộ rằng lựa chọn người thắng cuộc năm nay sẽ gây tranh cãi. "Các bạn sẽ hiểu tại sao khi nghe tên (người thắng cuộc)", ông Jagland nói thêm.

Năm ngoái, khi Ủy ban Giải Nobel công bố Tổng thống Mỹ Barrack Obama đã vượt qua 205 ứng viên khác để chính thức trở thành chủ nhân giải Nobel Hòa bình, cũng đã có rất nhiều tranh cãi về quyết định trao giải thưởng này.

Giới quan sát tỏ ra rất kinh ngạc vì ông Obama mới nhậm chức lãnh đạo Nhà Trắng chỉ chưa đầy hai tuần trước hạn chót nhận đề cử đoạt giải. Nhiều người theo dõi Nobel 2009 thậm chí tin rằng còn quá sớm để trao giải cho tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ "vì những nỗ lực phi thường của ông nhằm củng cố ngoại giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc" như khẳng định của 5 thành viên uỷ ban bầu chọn.

Phản ứng của Trung Quốc

Theo Tân Hoa xã, phản ứng trước sự việc trên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc nêu rõ: "Việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba là bôi nhọ giải thưởng này và có thể làm tổn hại mối quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy."

Ông Mã Triều Húc nhấn mạnh theo ý nguyện của ông Alfred Nobel, người sáng lập giải Nobel Hòa bình, giải thưởng này phải được trao cho người có đóng góp cho sự hòa hợp dân tộc, tình hữu nghị giữa quốc gia này với quốc gia khác, thúc đẩy giải trừ vũ khí, tổ chức và tuyên truyền các hội nghị hòa bình.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Lưu Hiểu Ba là một tội phạm bị tòa án Trung Quốc kết tội vì vi phạm luật pháp Trung Quốc. Những gì Lưu Hiểu Ba làm hoàn toàn đi ngược lại mục đích của giải Nobel Hòa bình. Vì thế, quyết định trao giải Nobel Hòa bình cho một nhân vật như vậy là bôi nhọ giải thưởng này, đồng thời có thể làm tổn hại mối quan hệ vốn tốt đẹp giữa Trung Quốc và Na Uy.

  • Thanh Bình (Theo TTXVN, AP, CNN, BBC)