Chia sẻ tại tại Hội nghị Vietnam CEO Summit 2019 với chủ đề “Chiến lược dẫn đầu trong chuyển đổi số và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam”, ông David Bray, Giám đốc điều hành People Centered Internet (Mỹ) cho rằng, Việt Nam đang có những cơ hội để nhảy vọt không chỉ ở Đông Nam Á mà còn cả trên thế giới bằng việc tạo ra những giá trị kinh doanh với những sản phẩm Internet of Things (IoT), doanh nhân Việt Nam sẽ làm các sản phẩm IoT để bán cho cả thế giới, trong đó có cả Mỹ và Trung Quốc.

Ông David Bray cho rằng, IoT chính là Internet vạn vật về công nghệ, chỉ một hai năm nữa thế giới có khoảng 7 tỷ thiết bị kết nối qua Internet, đến năm 2025  sẽ có gấp 10 lần thiết bị di động được kết nối trên thế giới. Hàng chục tỷ thiết bị IoT có mặt trên khắp các hệ thống ngõ ngách như trên xe hơi, trong các tòa nhà, trong cộng đồng, trong nông nghiệp, trên máy bay, trên khắp không gian vũ trụ, và được gắn trên cả cơ thể con người để theo dõi sức khỏe.

“Hôm qua có người hỏi tôi, Việt Nam làm thế nào để có thể đuổi kịp các nước về công nghệ. Tôi trả lời rằng, Việt Nam không cần đuổi kịp mà có thể nhảy vọt ở Đông Nam Á và cả thế giới. Việt Nam là một nước có thể làm điều đó, bởi vì hiện tại cả Mỹ và Trung Quốc đều nhìn vào Việt Nam và tin tưởng vào Việt Nam, đấy là lợi ích mà họ có thể tạo ra cho Việt Nam”, ông David Bray nhấn mạnh.

Tiến sĩ David Bray, Giám đốc điều hành People Centered Internet (Mỹ). Ảnh: Phạm Giang

Việt Nam sẽ làm các sản phẩm công nghệ gì để có thể bán cho cả thế giới?  Tiến sĩ David Bray cho rằng, trong tương lai người ta sử dụng IoT như thế nào là điều mà Việt Nam có thể thúc đẩy các doanh nhân biến nó thành hiện thực. Thế giới đang chứng kiến sự thay đổi chưa từng thấy của công nghệ, đây là cơ hội cho Việt Nam. IoT là khả năng kết nối với một cảm biến, hay thiết bị vào Internet để các thiết bị khác cũng nhận ra nó, để tìm hiểu các dữ liệu mà con người hay nền kinh tế tăng trưởng cần thu thập như: Lưu lượng xe trên đường cao tốc, lượng mưa trên cánh đồng, hay theo dõi sức khỏe của một người hay của cả một cộng đồng. Và Việt Nam sẽ là nước dẫn đầu để sản xuất ra các loại cảm biến này để bán cho toàn thế giới.

Ví dụ, đối với việc sử dụng robot, những năm trước robot rất thô sơ đơn giản, nhưng giờ đây người ta đã dùng những con robot nhỏ xíu như con kiến nhưng quản lý một cánh đồng, thu thập các dữ liệu về môi trường, lượng nước, thời tiết, sâu bệnh, những dữ liệu này được chia sẻ với nông dân để giúp cánh đồng khỏe hơn. Với một đàn robot nhỏ như đàn kiến, cả một hệ thống cánh đồng rộng lớn trên toàn cầu được theo dõi và chăm sóc sức khỏe.

Trong nhiều nhà máy, 100% dùng robot để tạo ra sản phẩm, con người chỉ giám sát robot làm việc, cái gì cần can thiệp mới dạy robot cách làm. Robot không phải làm con người mất việc mà con người làm việc cao cấp hơn, dạy cho robot làm việc.

Robot được dùng ở khắp các lĩnh vực như quản lý chất lượng công trình, quản lý sức khỏe của máy bay, theo dõi sức khỏe con người. Trong tương lai xe hơi không người lái sẽ tự điều khiến trên đường phố và nó cần có những thiết bị giúp kết nối, chính quyền sẽ kết nối với người dân qua điện thoại thông minh nhiều hơn, người dân cũng sẽ cung cấp thông tin cho chính phủ qua điện thoại.

Trong tương lai IoT sẽ giúp chuỗi cung ứng nhanh chóng kết nối, ví dụ kết nối để bán nông sản của từng cánh đồng qua một ứng dụng, hay như Uber kết nối chuyên chở, các thiết bị cảm biến có thể tự phát hiện ra lỗi của máy bay để cảnh báo sửa chữa.

“Việt Nam có thể có dẫn đầu trong việc tạo ra các thiết bị kết nối thông minh để hỗ trợ mua bán các sản phẩm khắp thế giới. Các công ty công nghệ của Việt Nam có thể sản xuất ra các thiết bị cảm biến đó và bán ra với giá trị cao nhất. Bên cạnh việc bán các thiết bị thông minh, doanh nghiệp Việt Nam có thể tạo ra các dịch vụ trên App Store giống như Apple hay Google, đây là ứng dụng tạo ra những giá trị rất lớn. Doanh nhân Việt Nam có thể đưa Việt Nam thành nước đi đầu trong lĩnh vực sản xuất ra các sản phẩm IoT”, ông David Bray nhấn mạnh.