Theo các chuyên gia, hạ tầng số là một yếu tố quan trọng cần được đưa vào trong quy hoạch và phát triển đô thị, nhất là các đô thị thông minh trong tương lai. 

Ông Phạm Lê Minh, Giám đốc điều hành khối IoT Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang đã có những chia sẻ chi tiết về xu hướng công nghệ trong xây dựng đô thị thông minh tại một sự kiện vừa diễn ra.

Theo vị chuyên gia, một đô thị được xây trên 2 nền tảng đó là hạ tầng cứng và hạ tầng số. Trong bối cảnh thế giới phẳng giao thương toàn cầu, nhu cầu đặt ra là ứng dụng công nghệ tiên tiến để xây dựng các đô thị thông minh đáp ứng nhu cầu người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát thải nhiệt và xây dựng đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững.

Việc xây dựng đô thị thông minh cũng sẽ tạo môi trường sống xanh, tiện nghi; nâng cao tiêu chuẩn sống của người dân và tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển kinh tế. Đô thị thông minh còn giúp chính quyền quản lý hiệu quả hoạt động của đô thị, thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế.

Theo chuyên gia, nền tảng số cho khu đô thị sẽ phụ thuộc vào cách quản trị phù hợp với đặc thù mỗi địa phương dựa trên nền tảng công nghệ mới như IoT, NB-IoT, 5G, Big Data, AI... để giúp chính quyền quản lý hiệu quả hoạt động của đô thị, đem lại các tiện ích thiết thực, an sinh xã hội, an toàn sức khỏe, tiết kiệm chi phí, mang lại tiện nghi cho người dân, thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển kinh tế. “Tiêu chí quan trọng hàng đầu không thể thiếu đối với đô thị thông minh, chính là sử dụng kết hợp IoT, giải pháp phần mềm, giao diện người dùng (UI) và mạng truyền thông”, ông Minh cho biết.

Ông Phạm Lê Minh, Giám đốc điều hành khối IoT Công ty Cổ phần Bóng đèn Điện Quang

Chính quyền và doanh nghiệp sẽ kết hợp xây dựng, lưu trữ cho đô thị một nguồn dữ liệu lớn dùng chung đáng tin cậy để làm cơ sở ra các quyết định dài hạn mang tính chiến lược. Xây dựng đô thị thông minh cho phép chính quyền, doanh nghiệp, bảo vệ môi trường xanh, tạo ra các giá trị mới, những nguồn doanh thu mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền và doanh nghiệp cũng như nâng cao chất lượng sống cho người dân, và công nghệ sẽ giúp chúng ta đạt được các mục tiêu này.

Theo đó, xu hướng công nghệ xây dựng đô thị thông minh hiện nay có thể được chia ra làm 4 tầng bao gồm tầng ứng dụng, nền tảng, tầng mạng và tầng cảm biến.

Cụ thể, tầng ứng dụng sẽ bao gồm nông nghiệp thông minh, chính phủ thông minh, y tế thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh…Tầng nền tảng sẽ có các nền tảng hỗ trợ dịch vụ, nền tảng quản lý mạng, nền tảng xử lý thông tin, nền tảng bảo mật thông tin.

Trong khi đó, tầng mạng bao gồm mạng viễn thông, Internet, mạng truyền hình, mạng lưới điện, mạng tư nhân và tầng cảm biến là các camera, RFID, cảm biến, điện thoại thông minh, thiết bị nhận tín hiệu, thiết bị dò tín hiệu… Xây dựng đô thị thông minh có xu hướng ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất có thể giúp đáp ứng nhu cầu người dân và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát thải nhiệt nhằm xây dựng đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững.
 
Với mục tiêu chung tay xây dựng giải pháp đô thị thông minh cho Việt Nam, doanh nghiệp này đã nghiên cứu và phát triển thành công giải pháp đô thị thông minh Điện Quang Smart City Solutions. Đây là giải pháp Make in Vietnam, do các kỹ sư người Việt tự chủ nghiên cứu phát triển, với hệ thống gồm trung tâm điều hành đô thị thông minh; nền tảng xử lý dữ liệu ứng dụng như an toàn an ninh, cộng đồng thông minh...

Hệ thống này có thể được ứng dụng ở tòa nhà thông minh, khu nghỉ dưỡng thông minh, khu công nghiệp thông minh hay các khu đô thị thông minh. Ông Phạm Lê Minh cũng cho hay, hệ thống này được điều khiển giọng nói bằng tiếng Việt, tiếng Anh; có thể hoạt động ngay cả khi mất internet. Nền tảng này kết nối với nhiều hệ sinh thái của các hãng trên thế giới.