{keywords}
Tại ITU Digital World 2021, Việt Nam sẽ đem những vướng mắc trong chuyển đổi số ra hội nghị bàn tròn để các bộ trưởng, các chuyên gia và doanh nghiệp ICT chia sẻ sáng kiến, đề xuất ý tưởng giải quyết các vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.

ITU Digital World phản ánh tầm quan trọng của công nghệ số

Chia sẻ với VietnamNet về sự kiện ITU Digital World, ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký ITU cho hay, ITU Digital World đã mở rộng không gian mới cho ITU. Lâu nay chúng ta nói về viễn thông vẫn là hình ảnh cũ kỹ về chiếc điện thoại cố định, nhưng khi nói đến lĩnh vực ICT là nói đến sự phát triển mới mẻ của các doanh nghiệp công nghệ và ứng dụng. Đây cũng là xu hướng phát triển trên toàn cầu.

“Năm 2019, sự kiện được tổ chức tại Hungari và chúng tôi vẫn gọi là sự kiện viễn thông thế giới ITU Telecom World. Nhưng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã đề xuất đổi tên thành ITU Digital World (Thế giới công nghệ thông tin truyền thông). Việc đổi tên sự kiện ITU Telecom thành ITU Digital World là sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam, nhằm phản ánh tầm quan trọng của công nghệ số trong hệ sinh thái truyền thông”, ông Houlin Zhao nói.

Đề cập đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, tiền thân của Hội nghị Bộ trưởng và Triển lãm trực tuyến Thế giới số 2021 là Triển lãm Viễn thông Thế giới (ITU Telecom World) được ITU tổ chức lần đầu năm 1971. Sự kiện này chính thức được đổi tên thành Triển lãm Thế giới Số (ITU Digital World) từ năm 2020 theo sáng kiến ​​của Bộ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng.

Vẫn theo Thứ trưởng Phan Tâm, tại các Hội nghị Bộ trưởng trước đây của ITU chưa bao giờ xuất hiện cụm từ “chuyển đổi số” mà chủ yếu đề cập đến các lĩnh vực truyền thống như: 5G, băng rộng, đưa Internet và phổ cập dịch vụ đến mọi người dân. Năm nay, Việt Nam đăng cai sự kiện ITU Digital World và xoay quanh trọng tâm là chuyển đổi số. Với không gian mới, ITU Digital World đặt ra vấn đề và phổ cập dịch vụ qua việc phát triển hạ tầng, thúc đẩy chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số, đem dịch vụ số tới mọi người dân với giá thành rẻ hơn. Đặc biệt, ITU đã đề cập đến vấn đề dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ nội dung hướng tới đem lại giá trị tốt nhất cho người dân để phát triển kinh tế số, xã hội số.

“Tại ITU Digital World 2021, Việt Nam mang vấn đề chuyển đổi số của mình ra thế giới cho các Bộ trưởng về ICT bàn luận vấn đề này, làm thế nào để ICT thúc đẩy chuyển đổi số. Tại sự kiện, Việt Nam cũng đem những vấn đề vướng mắc trong chuyển đổi số ra hội nghị bàn tròn để các bộ trưởng, các chuyên gia và doanh nghiệp ICT chia sẻ sáng kiến, đề xuất ý tưởng giải quyết những vấn đề mà Việt Nam gặp phải trong quá trình chuyển đổi số. Như vậy, Việt Nam sẽ có được tri thức, kinh nghiệm của thế giới để giải các bài toán của chính mình”, Thứ trưởng Phan Tâm nói.

Thứ trưởng khẳng định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, việc Việt Nam đăng cai tổ chức sự kiện rất có ý nghĩa. Việt Nam và ITU mong muốn tiếp tục khẳng định vai trò và ý nghĩa của công nghệ số đối với việc nâng cao khả năng chống chịu và thích ứng của các quốc gia trước những biến động, thách thức toàn cầu.

Chuyển đổi số sẽ “nóng” trên bàn nghị sự

Theo kế hoạch, Hội nghị Bộ trưởng của ITU diễn ra từ ngày 12/10 - 14/10/2021 theo hình thức trực tuyến, trên nền tảng số do Việt Nam nghiên cứu và xây dựng với sự tham gia của các bộ trưởng trên khắp thế giới theo các chủ đề: Cắt giảm chi phí mạng truy nhập nhằm tăng tốc chuyển đổi số; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng: vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số; Số hóa cuộc sống thường nhật: các dịch vụ công và nội dung định hướng chuyển đổi số.

Với chủ đề “Chi phí truy cập Internet với giá phù hợp có thể tăng tốc chuyển đổi số”, các đại biểu sẽ thảo luận làm sao đảm bảo phổ cập khả năng tiếp cận đang nhanh chóng trở thành vấn đề về khả năng chi trả và năng lực hơn là về cơ sở hạ tầng hoặc công nghệ. Theo dữ liệu của ITU, hơn 90% dân số thành thị và hơn 70% dân số nông thôn trên toàn cầu đã được phủ sóng 4G, vệ tinh hoặc các công nghệ khác vào năm 2020 - nhưng chỉ 51% dân số thế giới đang sử dụng Internet. Các rào cản đối với việc sử dụng Internet bao gồm khả năng chi trả, năng lực công nghệ số, nhận thức của cộng đồng và sự tồn tại của nội dung bằng ngôn ngữ địa phương.

Hội nghị bàn tròn này đặt ra vấn đề lớn như làm thế nào các chính phủ có thể giải quyết về khả năng chi trả? Các doanh nghiệp có sản xuất đủ thiết bị giá cả phải chăng cho phép người dân kết nối và sử dụng Internet không? Làm thế nào chính phủ có thể phối hợp với các nhà sản xuất nhằm khuyến khích kế hoạch giảm giá hoặc tăng khả năng sẵn có của thiết bị giá rẻ? Chính phủ có nên hỗ trợ truy cập hoặc thậm chí cung cấp kết nối miễn phí cho tất cả mọi người? Vai trò của vấn đề tái chế hiệu quả trong toàn bộ chuỗi cung ứng như thế nào?...

Qua đó, sẽ tìm ra lời giải cho bài toán phổ cập dịch vụ Internet đến với mọi người nhằm thúc đẩy xã hội số và kinh tế số.

Ngoài ra, các Bộ trưởng sẽ thảo luận về nội dung bàn tròn “Thúc đẩy phát triển hạ tầng: Nghĩ lại về vai trò của Chính phủ trong chuyển đổi số”. Hiện nay, phần lớn thế giới đã có sẵn cơ sở hạ tầng băng thông rộng cho phép chuyển đổi số, nhưng sự tồn tại của mạng, tốc độ và hiện trạng triển khai có sự khác nhau đáng kể trong mỗi quốc gia, giữa các quốc gia và khu vực. Khi số lượng người dùng và thiết bị, việc sử dụng dữ liệu cũng như kỳ vọng về tốc độ, chất lượng tiếp tục tăng nhanh, các mạng hiện tại cần được cập nhật hoặc thay thế nhằm đáp ứng nhu cầu trong tương lai.

Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng tốc và tối ưu hóa quá trình triển khai hạ tầng băng rộng một cách tốt nhất? Những kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất và nghiên cứu điển hình thành công khác nhau như thế nào giữa các nước phát triển và đang phát triển? Khi mạng đường trục cần thiết đã có sẵn thì rào cản để tiếp cận người dùng cuối là gì? Vai trò của chia sẻ cơ sở hạ tầng, cả trong lĩnh vực viễn thông và với các nhà cung cấp dịch vụ tiện ích là gì? Làm thế nào cho các cơ quan quản lý và Chính phủ có thể phối hợp với khu vực tư nhân để khuyến khích hợp tác, tạo ra sân chơi bình đẳng về công nghệ và mở rộng thị trường?

Công nghệ số đang biến đổi mọi lĩnh vực và cuộc sống cá nhân của chúng ta. Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình này, bao gồm gia tăng làm việc tại nhà, thông tin Chính phủ và các chương trình chăm sóc sức khỏe, các ứng dụng kiểm tra và truy vết cũng như chứng nhận tiêm chủng số.  

Các Bộ trưởng cũng thảo luận về vấn đề đại dịch đã ảnh hưởng như thế nào đến việc sử dụng các dịch vụ và nội dung số? Vai trò của các dịch vụ Chính phủ nói chung trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số là gì? Làm thế nào để công dân có thể được trang bị tốt nhất các kỹ năng số phù hợp cho một tương lai số đúng nghĩa? Liệu chúng ta có đang gặp nguy cơ về một khoảng cách số mới trong xã hội, nơi các nhóm yếu thế như người già không thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe và thông tin thiết yếu khi không có thiết bị số và kỹ năng số?

Với rất nhiều nội dung mới xoay quanh vấn đề chuyển đổi số, lần đầu tiên ITU Digital World đã mở rộng không gian mới và có bước thay đổi về chất. Công nghệ đang đi vào từng ngõ ngách và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. ITU Digital World 2021 được chờ đợi sẽ tìm ra các lời giải đột phá vì một tương lai số.

Thái Khang

Sáng kiến ITU Digital World của Việt Nam thể hiện tầm quan trọng của công nghệ số

Sáng kiến ITU Digital World của Việt Nam thể hiện tầm quan trọng của công nghệ số

Ông Houlin Zhao, Tổng Thư ký ITU nói rằng, việc đổi tên thành ITU Digital World là sáng kiến tuyệt vời của Việt Nam, phản ánh tầm quan trọng của công nghệ số trong hệ sinh thái truyền thông.