Mới đây, sự trở lại của K-ICM (vắng bóng Jack) trên YouTube với teaser ca khúc mới của mình đã nhận được hàng loạt phản ứng của cư dân mạng, khiến cho lượng Dislike của video đang nhiều gấp hơn 10 lần số Like. Thậm chí, nhiều người không ngại để lại những bình luận bên dưới để cùng ủng hộ và đứng về phe Jack, gây ra nhiều ý kiến trái chiều và tranh cãi. Thế nhưng, hiếm ai nhận ra một sự thật rằng những dấu hiệu như vậy đã và đang được YouTube để ý cực kỳ sát sao, có thể khiến toàn hệ thống nút Like được thay đổi trong tương lai không xa dựa trên hành vi của cộng đồng mạng.

K-ICM bị Dislike gấp 10 lần Like không phải chuyện đùa: YouTube cũng sợ thói xấu của dân mạng, có thể bỏ nút Dislike về sau - Ảnh 1.

Tính đến 11h ngày 18/2, đây là "thành tích" tỷ lệ Dislike trên teaser của K-ICM.

Thực chất, YouTube nói chung cũng không hề cảm thấy quá xa lạ với những thói quen như vậy, bởi chính họ cũng đã tự trở thành nạn nhân lớn nhất của chính mình - video YouTube Rewind 2018 chỉ có 2,7 triệu Like nhưng nhận về tận 17 triệu Dislike, một kỷ lục vô tiền khoáng hậu trong lịch sử từ trước tới nay. Từ nhiều trường hợp tương tự khác, họ nhận thấy nút Dislike có thể trở thành một thứ "vũ khí" vô hình trên Internet để cố tình hạ bệ và công kích ai đó mà chẳng lo chịu trách nhiệm về sau. Do vậy, đội ngũ YouTube đã vạch ra những kế hoạch đối phó với vấn đề này, dẫn dắt bởi Tom Leung, giám đốc quản lý dự án tại YouTube.

Hiện tượng số đông cùng nhau hùa theo phong trào Dislike tập thể vì cảm thấy bất bình, tức giận (chưa cần biết có chính đáng hay không) đối với người khác có thể được coi là hành động tấn công có tổ chức trên Internet. Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là một video/sản phẩm của nạn nhân bị bêu riếu, đánh giá cực thấp trên khung nhận xét hệ thống. Đối với YouTube, một video với thành tích xấu, lượng Dislike vượt quá Like nhiều lần sẽ bị hạn chế xuất hiện cũng như gợi ý chung. Đây là một kiến thức thông thường được nhiều người biết đến, vì vậy họ đã lấy nó ra để làm căn nguyên lợi dụng cho hành động của mình, khiến cho kênh YouTube của nạn nhân chịu thiệt hại đáng kể về danh tiếng.

K-ICM bị Dislike gấp 10 lần Like không phải chuyện đùa: YouTube cũng sợ thói xấu của dân mạng, có thể bỏ nút Dislike về sau - Ảnh 2.

Tình trạng Dislike công kích tập thể đang khiến YouTube đau đầu.

Nhận thấy tình hình có thể biến chuyển phức tạp và khó lường trong tương lai, nhóm phụ trách vấn đề tại YouTube đã đề ra một số phương án nhất định trước mắt. Lựa chọn tối cao nhất hiện tại là đặt ra một tính năng mới cho phép chủ kênh có thể ẩn hoàn toàn số Like/Dislike trên mỗi video của mình. Một mặt, điều này sẽ khiến những kẻ công kính nản chí vì chẳng biết nạn nhân đã bị Dislike bao nhiêu lần, không thể hả hê vì những gì mình làm. Mặt khác, điều này cũng có thể gây tác dụng ngược nếu như lượng Like trở nên tốt hơn, nhưng lại không được hiện ra cho mọi người cùng nhận biết. Xét cho cùng, số lượt Like cũng là một công cụ quan trọng để nhiều nghệ sỹ đánh bóng tên tuổi, nên rất khó để tận dụng triệt để cách thức này.

Không chịu từ bỏ, Tom Leung cùng nhóm của mình đã tạm thời tính thêm 2 phương án phụ dự phòng tiếp theo cho vấn đề này.

Cách đầu tiên có thể hiểu nôm na là "Dislike một cách khoa học". Khi được triển khai trên YouTube, nếu bất kỳ ai muốn Dislike một video, họ bắt buộc phải thực hiện một phiếu khảo sát chi tiết về lý do vì sao lại làm vậy. Việc này giúp tạo nên 2 hiệu ứng tốt theo sau: Cư dân mạng sẽ phải suy nghĩ lại về hành động của mình một cách chính đáng hơn hoặc khiến những kẻ a dua nản chí, đồng thời nếu đó là những góp ý tốt, chủ kênh có thể biết được hạn chế của mình ở đâu để khắc phục. Tuy nhiên, Tom Leung cho rằng đây là một cách khá phức tạp để thực hiện, bởi nó yêu cầu một hệ thống chỉn chu để tổng hợp và thu thập nhiều mảnh dữ liệu nhỏ mới có thể hoạt động hiệu quả.

K-ICM bị Dislike gấp 10 lần Like không phải chuyện đùa: YouTube cũng sợ thói xấu của dân mạng, có thể bỏ nút Dislike về sau - Ảnh 3.

Phương án cuối cùng, đơn giản nhất nhưng cũng cứng rắn nhất, là loại bỏ hoàn toàn nút Dislike trên YouTube. Cũng bởi không phải ai nhấn nút Dislike đều là người xấu tính và có ý đồ công kích video, nên Tom Leung vẫn rất lưỡng lự trước khi đi đến kết luận của kế hoạch này.

Một số nhà sáng tạo nội dung trên YouTube cũng có những giải pháp khá lọt tai, đã được góp ý và chuyển lời tới Leung để xem xét. Họ cho rằng trước khi có thể nhấn Like hay Dislike, người xem bắt buộc phải hoàn thành ít nhất 25%-50% thời lượng video. Nếu được tận dụng thành công, cách này vừa có thể loại bỏ nạn cày view và "Like ảo", vừa có thể hạn chế khả năng công kích tập thể nhằm Dislike nặng nề video của ai đó.

Dù vậy, mọi câu trả lời vẫn đang được phó mặc cho thời gian, chí ít là tới lúc YouTube có những phát ngôn chính thức liên quan về cập nhật mới của mình.