{keywords}

Bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu là một phần của mục tiêu Chương trình quốc gia về tiết kiệm năng lượng đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp điện, công nghiệp nặng, khai thác tài nguyên và khoáng sản trong những năm qua đã đặt ra nhiều thách thức về bảo vệ môi trường. Với vai trò là bộ ngành quản lý, Bộ Công Thương đang từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xây dựng lộ trình để giải quyết các vấn đề cấp bách liên quan đến môi trường ở nước ta.

Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương giai đoạn 2020-2025 vừa được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phê duyệt ngày 08/09/2020, sẽ cụ thể hóa những mục tiêu mà toàn ngành phải thực hiện, qua những số hết sức đáng lưu ý.

80% tro, xỉ, thạch cao được tái chế

Năm 2019, thống kê từ Bộ Xây dựng, các cơ sở nhiệt điện đốt than phát thải lượng tro, xỉ, thạch cao khoảng 13,4 triệu tấn/năm. Trong khi đó, số tro, xỉ, thạch cao được xử lý trên cả nước là khoảng 11-13 triệu tấn. 

Vì thế, là đơn vị quản lý lĩnh vực này, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu là đến năm 2025, 80% số tro, xỉ, thạch cao phát sinh từ các nhà máy điện, nhà máy hóa chất, phân bón được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng, san lấp, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường.

Đồng thời, đến năm 2025, 70%-90% nguồn thải trong các lĩnh vực công nghiệp trọng điểm được đánh giá, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu và ban hành chính sách, quy định kiểm soát.

Cơ sở để hoàn thành các mục tiêu này là 100% các doanh nghiệp ngành Công Thương được tập huấn và phổ biến pháp luật về bảo vệ môi trường cho đến năm 2025.

4 nhiệm vụ mục tiêu

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra đến năm 2025, có bốn nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cần được thực hiện. Trong đó, Bộ Công Thương cần phối hợp rà soát, sửa đổi bổ sung các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát nguồn thải, tập trung vào các vấn đề cấp bách như rác thải nhựa, túi nilon, thu gom xử lý phế liệu, tái chế chất thải công nghiệp.

Song song đó, tăng cường thanh kiểm tra ở những khu có nguy cơ ô nhiễm cao để từ đó đẩy mạnh công tác quản lý an toàn bãi thải, cải tạo phục hồi môi trường. Tác động của các nguồn ô nhiễm môi trường ở các dạng năng lượng mới cũng cần phải được đánh giá toàn diện cùng với các nguồn ô nhiễm hiện nay như thủy ngân (Hg), bụi mịn (PM10, PM2.5).

Bộ Công Thương cũng được giao vai trò thúc đẩy mô hình công nghiệp xanh và đề xuất xây dựng thí điểm các khu công nghiệp sinh thái thân thiện môi trường. 

Để làm được những điều này, công tác đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được Bộ Công Thương đẩy mạnh với vai trò đơn vị chủ trì. 

29 đề án

Từ 4 nhiệm vụ mục tiêu nêu trên, các giải pháp sẽ được phân loại triển khai cụ thể theo 29 chương trình, dự án, đề án ưu tiên thực hiện xen kẽ từ nay đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là đề án). 

Trong đó, vấn đề trọng điểm được quan tâm hàng đầu là nhóm đề án xử lý tận gốc ô nhiễm môi trường. Từ ngành công nghiệp nhẹ (dệt, da, giấy), công nghiệp nặng (luyện kim, phân bón, hóa chất) đến công nghiệp điện, khai thác tài nguyên khoáng sản và khu công nghiệp, cụm công nghiệp đều có đề án cho sự phát triển bền vững, kiểm soát rủi ro và hạn chế tối đa tác động đến môi trường. 

Rác thải từ hoạt động ở các trung tâm thương mại, siêu thị hay chợ đầu mối cũng không nằm ngoài đề án này. Như vậy, có thể thấy nhiều ngành nghề có tác động đến môi trường đang đứng trước cơ hội và thách thức để chuyển mình trong công cuộc xanh sạch hóa môi trường. Ngoài ra, một số đề án sẽ được triển khai trước mắt với các mô hình thí điểm để đánh giá hiệu quả trước khi nhân rộng. 

Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì thực hiện, phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành có liên quan. 11/29 đề án cần báo cáo Thủ tướng khi hoàn thành, bên cạnh công tác báo cáo định kỳ hàng năm phải được Bộ Công Thương đôn đốc thực hiện cùng các bộ ngành có liên quan. Đây là một tốc độ hết sức khẩn trương, cần Bộ Công Thương ráo riết thực hiện để bám sát các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra từ nay đến năm 2025. 

Phương Nguyễn

Thiết bị tạo năng lượng sạch từ ánh sáng mặt trời, nước và CO2

Thiết bị tạo năng lượng sạch từ ánh sáng mặt trời, nước và CO2

Thiết bị này được phát triển bởi nhóm nghiên cứu của Đại học Cambridge và đã thực hiện một bước quan trọng trong quá trình quang hợp nhân tạo.