Chính thức có hiệu lực từ ngày 15/3, Nghị định 06/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Phát thanh truyền hình (PTTH) sẽ điều chỉnh toàn diện hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ PTTH trên phạm vi cả nước.

Mục tiêu nổi bật của văn bản này, theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, người trực tiếp chủ trì cuộc Họp báo công bố Nghị định 06/2016 chiều nay, 14/3, chính là tạo điều kiện thúc đẩy hình thành một thị trường truyền hình trả tiền theo hướng phát triển bền vững, cạnh tranh lành mạnh nhất.

{keywords}
Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn phát biểu tại Họp báo. Ảnh: T.C

"Chủ trương của Chính phủ là Quản lý nhà nước phải bắt kịp sự phát triển của PTTH. Do đó, đối với hoạt động truyền hình trả tiền bước đầu có chuyển biến, chúng ta cần tạo điều kiện để thúc đẩy hình thành thị trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững", Thứ trưởng nêu quan điểm. "Nói là lành mạnh vì nhiều doanh nghiệp thời gian qua đã sử dụng nhiều thủ pháp để cạnh tranh bằng mọi cách".

Nhận định đây là một thị trường đang phát triển rất nóng, khi số lượng thuê bao đã tăng từ mức 3 triệu vào năm 2011 lên gần 10 triệu thuê bao vào cuối năm 2015, ông cho biết một số nội dung của Quyết định 20/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý hoạt động truyền hình trả tiền là "chưa đủ và chưa theo kịp sự phát triển của lĩnh vực, chưa đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước".

Bao gồm 6 chương, 32 điều, Nghị định 06 đã cơ bản thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về PTTH, phù hợp với định hướng Quy hoạch báo chí đến năm 2025 và Đề án Luật báo chí sửa đổi.

Cơ quan báo chí được tăng quyền tự chủ cũng như trách nhiệm đối với nội dung

Một điểm mới của Nghị định 06 so với Quyết định 20 chính là tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí trong việc sản xuất các chương trình liên kết. Hiện tại, Bộ TT&TT vẫn đang cấp phép các chương trình liên kết cho các đài PTTH, tuy nhiên sau khi Nghị định có hiệu lực, các cơ quan báo chí, mà cụ thể ở đây là Tổng giám đốc các đài sẽ phải tự chịu trách nhiệm đối với nội dung của các chương trình này. Bộ sẽ chỉ thực hiện hậu kiểm và xử lý sai phạm (nếu có) của các cơ quan báo chí mà thôi.

"Đây là một điểm mới. Chúng ta tăng quyền tự chủ cho các cơ quan báo chí nhưng cũng yêu cầu người đứng đầu cơ quan báo chí phải nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung các chương trình liên kết", Thứ trưởng Trương Minh Tuấn phân tích tại cuộc Họp báo.

Nói rõ hơn về điểm này, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục PTTH & Thông tin điện tử cho biết, kể từ ngày 15/3, Bộ sẽ không cấp đăng ký chứng nhận chương trình liên kết nữa. Toàn bộ trách nhiệm sàng lọc, lựa chọn đối tác liên kết thuộc về Tổng giám đốc các đài phát thanh truyền hình.

Kênh nước ngoài không chiếm quá 30% tổng số kênh chương trình

Đối với kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ PTTH trả tiền, quy định trong Nghị định đã thể chế hóa định hướng quản lý nội dung chương trình theo Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Theo đó, cơ cấu tỷ lệ kênh truyền hình nước ngoài trên tổng số kênh chương trình khai thác của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền không vượt quá mức 30%.

{keywords}
Các kênh truyền hình nước ngoài không được chiếm quá 30% tổng số kênh chương trình phát sóng của các đài truyền hình trả tiền.

Theo ông Nguyễn Hà Yên, tỷ lệ 3:7 này, tức là cứ 3 kênh chương trình nước ngoài thì sẽ phải có 7 kênh chương trình trong nước đối ứng, đã được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng. "Quy định mới sẽ vừa tạo điều kiện cho kênh chương trình nước ngoài được tham gia vào hệ thống dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền, vừa tạo ra động lực để thúc đẩy công nghiệp sản xuất nội dung chương trình trong nước".

Lý giải kỹ hơn, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định Việt Nam không bảo hộ cho các chương trình truyền hình trong nước mà chỉ tạo điều kiện cho các kênh trong nước phát triển. Tinh thần này vẫn phù hợp với các cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập của Việt Nam. Hơn nữa, quốc gia nào cũng vậy, không bao giờ để các kênh nước ngoài chiếm sóng một cách tràn lan.

Tuyệt đối không liên kết sản xuất chương trình thời sự

Nghị định 06/2016 cũng quy định rõ việc tuyệt đối không thực hiện hoạt động liên kết sản xuất chương trình đối với các chương trình phát thanh, truyền hình thời sự - chính trị. Các chương trình thực hiện hoạt động liên kết trong kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của Nhà nước và kênh thời sự - chính trị tổng hợp không được vượt quá 30% tổng thời lượng chương trình phát sóng lần 1 theo Giấy phép sản xuất của kênh này.

Thậm chí tới đây còn tiến tới xóa sổ quảng cáo trong các chương trình thời sự - chính trị, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết. 

Dịch vụ PTTH trả tiền không phải là dịch vụ thiết yếu của xã hội nên cần được định giá theo Luật giá. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dùng đối với loại hàng hóa đặc biệt này, các DN cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền sẽ phải công khai giá dịch vụ bằng cách niêm yết giá công khai ở các điểm giao dịch, kèm theo các thông tin liên quan đến dịch vụ để người dùng biết trước khi quyết định có sử dụng dịch vụ hay không.

Ngoài ra, Nghị định cũng đã có quy định bổ sung dịch vụ PTTH trên mạng Internet để phù hợp với sự phát triển của công nghệ truyền dẫn và thực tiễn phát triển dịch vụ trong nước. Tuy nhiên, theo ông Hoàng Vĩnh Bảo, Cục trưởng Cục PTTH & TTĐT thì việc quản lý dịch vụ truyền hình Internet cũng sẽ có một Nghị định riêng để tránh tình trạng bảo hộ ngược là quản chặt các kênh chương trình trong nước nhưng lại khó quản lý các kênh chương trình đặt máy chủ tại nước ngoài.

Trọng Cầm