Tính đúng đắn của việc cha mẹ dùng đòn roi dạy con từ lâu đã trở thành chủ đề tranh cãi nảy lửa giữa các bậc phụ huynh và chuyên gia giáo dục. Tuy nhiên, một phân tích mới đối với 5 thập kỷ nghiên cứu về việc đánh mông dạy con phát hiện, ngoài các ảnh hưởng về tâm lý đối với trẻ, cha mẹ có thể phải trả một cái giá lớn hơn nếu áp dụng phương pháp giáo dục này.

{keywords}
Một bà mẹ Đức đang đánh mông dạy con hồi những năm 1930. Ảnh: Wikimedia Commons

Đo lường các ảnh hưởng của phương pháp dạy con bằng cách đánh vào mông đã được chứng minh là rất khó, không phải chỉ vì quá nhiều người có quan điểm "bất di, bất dịch" đối với vấn đề này, mà còn vì nó thường được áp dụng kèm các dạng trừng phạt thể chất khác. Nhiều nghiên cứu cũng không đưa ra kết luận riêng rẽ về hình thức dạy dỗ con này.

Trong số mới phát hành của tạp chí Journal of Family Psychology, tiến sĩ Elizabeth Gershoff thuộc Đại học Texas (Mỹ) đã công bố kết quả khảo cứu về các ảnh hưởng của phương pháp đánh mông đối với tổng cộng 160.927 đứa trẻ. "Phân tích của chúng tôi chỉ tập trung vào các hành động mà người Mỹ công nhận là đánh mông trẻ, chứ không phải các hành động ngược đãi khác", bà Gershoff giải thích. Trong đó, phương pháp đánh mông trẻ nói chung được định nghĩa là việc người lớn dùng tay đánh vào mông hoặc tay, chân của trẻ.

Nhà nghiên cứu Gershoff kết luận, có một mối quan hệ giữa phương pháp đánh mông với 13/17 hậu quả bất lợi mà nhóm của bà kiểm tra. Đặc biệt, bà Gershoff và các cộng sự khám phá ra rằng, đây là một cách vô cùng thiếu hiệu quả trong việc bắt trẻ phải tuân theo các mong muốn của cha mẹ, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Ngoài ra, quan điểm phổ biến cho rằng "đòn roi không bao giờ gây hại cho tôi" không hẳn đúng. Những người trưởng thành từng bị đánh mông khi còn nhỏ nhiều khả năng mắc các vấn đề về tâm thần và hành xử chống lại cộng đồng hơn.

Theo một nghiên cứu của UNICEF, ở hầu hết các nước trên thế giới, hơn 70% trẻ em bị đánh mông, chứng tỏ cách dạy dỗ này được chấp nhận rộng rãi (trừ phi bạn có quan điểm vô cùng khắt khe về nhân quyền). Song, bằng chứng của bà Gershoff đưa ra ám chỉ, tần suất đánh mông trẻ cũng quan trọng như việc có áp dụng cách dạy dỗ này hay không. Càng thường xuyên bị đánh mông, đứa trẻ càng nhiều khả năng bộc lộ các ảnh hưởng tiêu cực.

Phân tích mới của bà Gershoff cho thấy, việc đánh mông gây ra hậu quả tiêu cực tương tự như việc ngược đãi trẻ, nhưng ở mức độ giảm nhẹ hơn. Bất chấp việc nhóm của bà Gershoff sử dụng cả các nghiên cứu từ những năm 1960, việc so sánh phương pháp dạy trẻ bằng đánh mông với sự ngược đãi luôn vấp phải các phản ứng mạnh mẽ, dù một số nhà tâm lý học quả quyết chúng thực tế là một thứ.

Thụy Điển cấm đánh mông trẻ vào năm 1979, nhưng các đề xuất mới đây về việc tương tự ở Canada đã gây tranh cãi kịch liệt. Trong khi đó, ở New Zealand, dự luật cấm bạt tai trẻ đã bị hơn 88% số người tham gia một cuộc trưng cầu dân ý không bắt buộc tại nước này bác bỏ, viện dẫn lí do "không có nghiên cứu đúng đắn nào cho thấy việc con bị cha/mẹ yêu thương mình bạt tai lại nuôi dưỡng bạo lực".

Tuấn Anh (Theo IFLScience)