Hội nghị “Thúc đẩy năng suất doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh đại dịch Covid-19 dựa trên nền tảng đổi mới khoa học, công nghệ và cải cách quy định hành chính” vừa được tổ chức bởi Bộ Khoa học & Công nghệ (Bộ KH&CN) và Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME).

Hội nghị còn có sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa (LinkSME). Dự án này đã triển khai từ tháng 09/2018 và kéo dài đến tháng 09/2023 với ngân sách dự kiến khoảng 22,1 triệu USD.

{keywords}
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Xuân Định - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết chiến lược KH&CN quốc gia đã tạo tiền đề khích lệ các doanh nghiệp mạnh dạn khai thác KH&CN để nâng cao sức cạnh tranh qua 4 yếu tố như giảm giá thành, tăng chất lượng, phát triển sản phẩm mới và nâng cao khả năng đáp ứng nhanh nhạy với thị trường. 

Nhờ đó, Chỉ số Đổi mới Sáng tạo toàn cầu của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới năm 2020 của Việt Nam xếp thứ 42/131 và đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Trong số 29 quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, Việt Nam có chỉ số đổi mới sáng tạo dẫn đầu.

{keywords}
Chủ tịch VINASME Nguyễn Văn Thân phát biểu tại Hội nghị.

Về phần mình, ông Nguyễn Văn Thân - Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch VINASME thông tin thêm chỉ trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có khoảng 70.000 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động vì Covid-19, khiến 1,8 triệu lao động mất việc làm. Bù lại, có 99.000 doanh nghiệp thành lập mới mà đa số là các doanh nghiệp KH&CN hoặc ứng dụng nền tảng KH&CN trong hoạt động.

“Thực tế, nhiều DN nhìn thấy cơ hội để làm ăn có lãi và KH&CN chính là chìa khóa giúp Chính phủ, doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, cắt giảm chi phí, cải cách thủ tục hành chính”, ông Thân nhấn mạnh.

Các nhóm giải pháp nhằm nâng cao năng lực KH&CN của doanh nghiệp

Khẳng định vai trò quan trọng của việc ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong thúc đẩy năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME đã đề xuất 6 nhóm giải pháp với Bộ KH&CN cũng như với Chính phủ.

Thứ nhất là đề xuất Chính phủ nên tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực dạy nghề. Chỉ lao động có tay nghề và kiến thức thực tế mới nhìn ra được những bất cập của doanh nghiệp. 

Thứ hai là đề xuất Chính phủ có chương trình hỗ trợ đào tạo trong và ngoài nước cho các tư vấn viên về năng suất, chất lượng để có nhiều hơn các chuyên gia trong lĩnh vực này. Đồng thời, ông cũng đề xuất xây dựng bảng lương ‘vượt trội’ để khuyến khích lao động chất lượng cao.

Thứ ba, đề xuất Chính phủ nên thông qua các Hiệp hội để có thể đào tạo, tư vấn giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp và người lao động. 

Thứ tư, các doanh nghiệp cần liên kết với các trường dạy nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo hàng năm cho lực lượng lao động, thậm chí có đơn đặt hàng cụ thể cho doanh nghiệp mình.

Thứ năm, đề nghị Bộ KH&CN tích cực chỉ đạo đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP. Từ đó, doanh nghiệp mới có chỗ dựa tin cậy khi tiếp cận với các hoạt động hành chính, các dịch vụ công trong tổ chức quản lý của Bộ. 

Thứ sáu, ông Tô Hoài Nam đề nghị Bộ KH&CN báo cáo Chính phủ cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận kho hàng nghìn công trình nghiên cứu của Bộ một cách công bằng, rõ ràng, đầy đủ, minh bạch theo cơ chế thị trường. Đây là một nguồn tài nguyên vô cùng có giá trị với đất nước, với xã hội đặc biệt là cộng đồng doanh nhân, theo ông Nam.

Từ những thành công của Chương trình 712, ông Nam đánh giá cao nỗ lực của Bộ KH&CN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến năng suất, chất lượng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường thông qua việc cho ra đời bộ công cụ VIPA với 64 chỉ số đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong chuyển đổi số.

{keywords}
Ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VINASME

Về phần mình, bà Cristina Fentross - Quyền Phó Giám đốc USAID tại Việt Nam cho rằng đại dịch Covid-19 không những không làm chậm lại quá trình chuyển đổi KH&CN mà còn thúc đẩy chuyển đổi KH&CN lên tầm cao mới. 

Do đó, USAID đang phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để thực hiện Dự án LinkSME. Đồng thời, bà mong mỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc đầu tư vào KH&CN, chuyển đổi số và tìm kiếm giải pháp thích ứng để hoạt động trong bối cảnh hiện nay.

Cũng tại Hội nghị, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… đã đưa ra những giải pháp, kiến nghị khác nhau nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ cần tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt, tạo cơ chế, môi trường thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số của toàn xã hội, ban hành đường hướng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức phát triển đầu tư khoa học kĩ thuật vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Còn Bộ KH&CN sẽ đóng vai trò đề xuất, điều tiết và phát triển các lĩnh vực chuyển đổi số trọng điểm.

Cùng với đó, đề xuất Chính phủ tiếp tục có giải pháp hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ liên kết, hợp tác nghiên cứu, thực hiện hiệu quả Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025…

Hội nghị cũng chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng với VINASME nhằm mở ra cơ hội ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Theo đó, Tổng cục sẽ giới thiệu công nghệ mới, các quy trình sản xuất, mô hình kinh doanh mới... cũng như cử chuyên gia tư vấn, tổ chức một cách khoa học để nâng cao năng suất và chất lượng cho các doanh nghiệp.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thứ trưởng Lê Xuân Định khẳng định việc áp dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo sẽ giúp các doanh nghiệp có thể tồn tại trong bối cảnh Covid-19, thậm chí có thể phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhờ chuyển đổi số ở doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý đây không phải câu chuyện ngày một ngày hai, mà phải bắt đầu từ thay đổi hành động đến nhận thức. Để nhận thức đúng, cần có hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp nhằm kết nối giữa doanh nghiệp tìm kiếm giải pháp với các chuyên gia, công ty tư vấn. 

Phương Nguyễn

Quản lý xe điện: Vẫn còn nhiều khoảng trống?

Quản lý xe điện: Vẫn còn nhiều khoảng trống?

Lực lượng quản lý thị trường vừa xử lý hàng trăm vụ buôn bán xe điện lậu, xe không có chứng nhận chất lượng. Các vụ vi phạm vẫn xảy ra trong bối cảnh thị trường ảm đạm và nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất.