Theo phân tích của ông Hoàng Hà, Cựu Giám đốc bán hàng và marketing Yamaha Việt Nam trong buổi giao lưu trực tuyến về xe điện được tổ chức trên CafeF, ở thời điểm hiện tại, xe điện vẫn nằm trong tiềm thức của người dân chỉ là xe đạp điện. Rất khó để có thể so sánh xe đạp với xe máy, dù nhìn trên bất cứ góc độ nào. Chính vì thế, các nhà sản xuất cần phải có những động thái để định nghĩa lại thị trường, đào tạo khách hàng để họ có được những nhận thức chính xác nhất.

Sự so sánh chỉ có thể tiến hành khi khách hàng thực sự nhận thức rõ bản chất của sản phẩm. Họ cần hiểu rõ về vai trò và giá trị. Khi so sánh ngang bằng, khách hàng có thể lựa chọn thứ gì tốt hơn để dùng. Còn nếu vẫn để suy nghĩ “xe đạp điện” ăn vào tiềm thức, sản phẩm này sẽ không bao giờ có cơ hội để so sánh với xe máy xăng.

Khi nhận thức đã rõ, người ta có thể chấp nhận những chiếc xe máy điện giá 50 đến 60 triệu đồng và so sánh nó với những sản phẩm cùng phân khúc chạy xăng. Tuy nhiên, cần thời gian để điều này có thể trở thành hiện thực.

Ngoài ra, các nhà sản xuất xe máy điện phải nhận thức rõ và sẵn sàng chơi sòng phẳng để sản phẩm của mình thực sự là xe máy điện thay vì để nó là xe đạp điện như hiện nay.

Tiêu chuẩn giữa xe đạp và xe máy cũng khác nhau, với những yếu tố kỹ thuật rất khác. Xe đạp thì không cần bằng, đăng ký, thuế biển xe hay nhiều chi phí khác. Các nhà sản xuất cần thực sự nghiêm túc xác định việc muốn cạnh tranh với với xe máy xăng hay chưa.

Ngoài ra, ông Hoàng Hà cũng cho rằng để người dùng lựa chọn xe điện thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là lợi ích. “Người sản xuất, kinh doanh cần chỉ ra những lợi ích mà khách hàng có thể nhận được, để họ đưa ra lựa chọn. Nếu làm tốt nhưng không chỉ ra được lợi ích vượt trội của sản phẩm, chắc chắn khách hàng không lựa chọn. Hiện tại, ai cũng nhận thức được bảo vệ môi trường nhưng hành vi không tương đồng với suy nghĩ”.

Nắm được tiện ích căn bản của khách hàng, công nghệ và động cơ điện sẽ đáp ứng được rất nhanh. Tuy nhiên, khi đã làm ra được sản phẩm, cần giáo dục khách hàng để họ hiểu được. Với điều đó, xe điện đương nhiên trở thành phương tiện thay thế hoàn hảo. Đó là sự thay thế tất yếu.

VinFast rất thành công, điều đó đã đủ?

Phân tích từ thực tế thị trường của ông Hoàng Hà cho thấy giá xe đạp điện có biên độ khá lớn, dao động từ 6 triệu đến 13 triệu đồng và vì thế nó tạo ra xu hướng suy nghĩ của khách hàng về mức giá cho xe đạp điện là phải thấp hơn 15 triệu đồng.

Trước đây Tera Motor đã đưa xe máy điện vào Việt Nam với mức giá rất cao những họ thất bại do khách hàng đánh đồng xe đạp điện và xe máy điện nên sản phẩm tuy rất đẹp về mẫu mã, tính năng tốt song không được thị trường chấp nhận.

Việc VinFast cho ra mắt Klara với giá cao hơn nhiều với so với giá xe đạp điện là để khẳng định sản phẩm của họ không cùng phân khúc.

Với giá hiện tại, VinFast có thể sẽ phù hợp cho một nhóm nhỏ khách hàng có thu nhập cao ở Hà Nội và TP.HCM, những người thích khẳng định tính tiên phong. Tuy nhiên, để đáp ứng thị trường số đông VinFast phải có các sản phẩm ở phân khúc thấp hơn so với Klara.

Dù rất thành công khi ra mắt, thế nhưng theo phân tích của ông Hoàng Hà, về lâu dài thương hiệu xe Việt cần chú trọng phát triển hệ thống dịch vụ. 

Trong thời gian đầu việc bán không phải là điều khó khăn. Chỉ trong thời gian ngắn VinFast đã nhận được đơn hàng vượt hơn 10.000 xe. Song nếu muốn duy trì sản lượng bán trung bình 15.000 xe/tháng thì việc phát triển kênh phân phối sản phẩm, dịch vụ và phụ từng đi kèm là rất quan trọng. Nếu bán quá nhanh mà dịch vụ không được cung cấp tương ứng sẽ dẫn đến phản tác dụng và gây ấn tượng không tốt.

Ông Hoàng Hà phân tích, trong thời gian qua VinFast tuyên bố sẽ phát triển kênh phân phối song song bao gồm hệ thống trực thuộc Vingroup và hệ thống đại lý điều này cũng khiến nhiều người lo lắng. Do vậy, VinFast cần làm rõ vai trò của kênh trực tiếp và kênh trung gian để tạo sự yên tâm cho đại lý, nếu được như vậy họ có thể phát triển kênh phân phối nhanh hơn, rộng hơn bao phủ đến vùng nông thôn.

Thị trường xe 2 bánh ở Việt Nam có tính đặc thù theo mùa rất rõ nét. Do vậy, điểu chỉnh chính sách bán hàng nhằm tránh xung đột lợi ích giữa kênh đại lý và kênh trực tiếp cũng là điều phải được tính toán hợp lý, nếu không sẽ dẫn đến mất kiểm soát giá bán vì thị trường xe ở Việt Nam “đắt thì đông, rẻ thì ế”.