Những năm gần đây, ở tất cả các quốc gia trên thế giới, nhu cầu về điện đang không ngừng gia tăng. Trái ngược với điều này, các nguồn năng lượng truyền thống như than đá, dầu mỏ đều đang ngày càng bị khai thác tới mức cạn kiệt. 

Thực tế trên khiến chính phủ nhiều quốc gia đang chuyển đổi dần sang các nguồn năng lượng tái tạo và coi đây như một giải pháp để phát triển bền vững. Trong các nguồn năng lượng tái tạo, điện mặt trời tăng đang trưởng rất nhanh và hiện chỉ xếp thứ 3 (sau thủy điện và điện gió) về công suất lắp đặt.  

Việt Nam xử lý thế nào với rác thải điện mặt trời?
Điện mặt trời là một trong những nguồn năng lượng sạch được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm phát triển. 

Theo báo cáo hiện trạng toàn cầu về năng lượng tái tạo, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời năm 2019 trên toàn cầu là 627GW. Trong đó, Việt Nam thuộc top 5 nước tăng trưởng nhanh nhất về công suất năng lượng mặt trời, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Đáng chú ý khi tổng công suất điện mặt trời đưa vào khai thác tại Việt Nam năm 2019 là 4.8 GW, tăng mạnh so với mức 108 MW chỉ một năm trước đó.

Tuy được coi là một người năng lượng sạch, sự phát triển một cách nhanh chóng của điện mặt trời đã khiến nhiều người cảm thấy quan ngại. Đó là khi mà những tấm pin mặt trời đã qua sử dụng và bị thải loại ra môi trường.

Việt Nam xử lý thế nào với rác thải điện mặt trời?
Năm 2019, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhanh nhất về công suất điện mặt trời.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, thành phần của các tấm pin mặt trời bao gồm khung nhôm, kính cường lực, màng bảo vệ, pin, tấm nền, dây dẫn và hộp kết nối. Tuổi thọ trung bình của các tấm pin năng lượng mặt trời từ 10-20 năm, tùy thuộc vào địa điểm và khu vực môi trường nơi triển khai dự án. 

Một số nghiên cứu trên thế giới cho thấy, việc sử dụng pin năng lượng mặt trời có thể gây ra một số tác động về mặt môi trường như chiếm diện tích đất và gây ô nhiễm nhiệt, tác động tới thị giác của con người. 

Việc sản xuất pin năng lượng mặt trời sử dụng một số kim loại nặng như Cd, Si,... gây ảnh hưởng nhất định đến việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên do với công nghệ hiện nay các pin này có tuổi thọ ngắn. 

Về tổng thể, pin năng lượng mặt trời thải bỏ nếu chôn lấp không đúng quy định có khả năng gây ô nhiễm môi trường đất, nước do phát sinh kim loại nặng hoặc khí thải độc hại. Trong trường hợp xảy ra cháy, các thành phần này có khả năng gây hại tới sức khỏe con người.

Việt Nam xử lý thế nào với rác thải điện mặt trời?
Không chỉ các nhà máy, năng lượng mặt trời giờ đây đã len lỏi lên mái nhà của nhiều hộ gia đình. Điều này khiến nhiều người lo ngại về việc cần phải xử lý thế nào đối với những tấm pin mặt trời đã qua sử dụng. 

Trên thế giới, hiện Ủy ban Châu Âu đã có quy định về vấn đề xử lý chất thải điện, rác thải điện tử, trong đó có pin năng lượng mặt trời qua sử dụng. Theo đó, việc thu gom, xử lý các loại rác thải này sẽ gắn liền với nhà sản xuất. 

Các nhà sản xuất phải có trách nhiệm thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý tấm pin năng lượng thải do mình sản xuất để thu lại các thành phần có ích để sử dụng cho các mục đích khác, nhằm giảm lượng rác thải điện tử ra môi trường. 

Tại Việt Nam, tấm pin năng lượng mặt trời thải loại được quản lý theo các quy định về quản lý chất thải. Theo đó, chủ nguồn thải có trách nhiệm phân định rác thải từ các tấm pin mặt trời theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về ngưỡng chất thải nguy hại để quản lý cho phù hợp (QCVN 07:2009/BTNMT).

Bộ Tài nguyên Môi trường cũng đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi. Trong dự thảo, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ ban hành danh mục các chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và chất thải công nghiệp thông thường.

Dự thảo Luật cũng quy định cụ thể về chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu theo quy định của pháp luật. Với các quy định nêu trên, việc quản lý các tấm pin năng lượng trời thải trong thời gian tới sẽ hoàn thiện và khoa học hơn, đáp ứng các yêu cầu thực tiễn. 

Trọng Đạt