{keywords}
TT Chính phủ giao Bộ Công thương nghiên cứu tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi. Ảnh minh họa: Nangluongsach

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phản ánh tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi.

Theo đó, công văn nêu rõ ngày 23/9, Báo VietnamPlus có phản ánh nội dung: “Theo đánh giá của Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam có tiềm năng to lớn về điện gió, ước tính khoảng 160GW. Điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi trong vòng 5 - 100km tính từ bờ. Từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10GW điện gió ngoài khơi”.

Về thông tin nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công Thương nghiên cứu trong quá trình quản lý và tham mưu chính sách phát triển ngành điện.

Điện gió ngoài khơi (Offshore wind power) đang là tài nguyên nhiều tiềm năng. Theo đánh giá của Tổ chức năng lượng quốc tế (IEA), điện gió ngoài khơi toàn cầu có tiềm năng đạt 420.000TWh hàng năm, nhiều gấp 18 lần nhu cầu hiện tại.

Thị trường điện gió ngoài khơi cũng tăng 30% hàng năm kể từ 2010 đến 2018. Theo dự báo của IEA đến 2040, điện gió ngoài khơi toàn cầu sẽ có số vốn đầu tư phát triển khoảng 1.000 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng công suất lắp đặt hàng năm là 13%.

Theo nghiên cứu của Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng để phát triển điện gió ngoài khơi.

Cụ thể, ước tính khoảng 160GW trong vòng 5-100 km tính từ bờ, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi.

Bờ biển dài, các nguồn gió dồi dào là những yếu tố then chốt để ngành công nghiệp xanh này phát triển và sản xuất ra nguồn điện xanh với giá hấp dẫn đồng thời tạo thêm nhiều việc làm và thu hút đầu tư. Từ các nghiên cứu nói trên, Cục Năng lượng Đan Mạch và WB cũng khuyến nghị, từ nay đến năm 2030, Việt Nam có thể đưa vào vận hành 10 GW điện gió ngoài khơi.  

D.V