Nhiệt độ miền Bắc tiếp tục xuống thấp dẫn đến hiện tượng băng tuyết ở nhiều vùng núi phía Bắc. Nhiệt độ xuống thấp hơn 1 độ C vào đêm và rạng sáng khiến một số khu vực mặt đường bị đóng băng gây trơn trượt, các phương tiện lưu thông qua đây gặp nhiều khó khăn.

{keywords}
Xe gặp nạn do đường trơn trượt. (Ảnh: otofun)

Băng tuyết khiến nhiều tuyến đường trở nên trơn trượt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Sáng nay (11/1), đèo Ô Quy Hồ đã ghi nhận tình trạng nhiều xe ô tô gặp tai nạn bởi mặt đường đóng băng do nhiệt độ giảm xuống thấp, gây ra tình trạng trơn trượt.

Hình ảnh được người dân đăng tải trên mạng xã hội nhằm cảnh báo tới các phương tiện lưu thông trong điều kiện thời tiết được dự báo nhiệt độ vẫn ở mức thấp. Thậm chí tuyến đường này đã phải tạm cấm lưu thông để tránh nguy hiểm.

{keywords}
Một số xe gặp nạn do đường trơn trượt. (Ảnh: otofun)

Các tài xế giàu kinh nghiệm cho biết, khi nhiệt độ xuống thấp, có thể dẫn đến hiện tượng "băng đen” khiến các xe lưu thông gặp tình huống trơn và không thể dừng lại được.

“Băng đen” là hiện tượng các bề mặt bị phủ lớp băng mỏng, nhất là trên các con đường. Mặt băng thường không nhìn thấy được, do đó, khi phương tiện lưu thông có nguy cơ trơn trượt và dẫn tới tai nạn.

Di chuyển trên mặt đường trơn trượt do băng đòi hỏi những kỹ năng lái xe thành thạo mà không phải tài xế nào cũng nắm được. Lúc này, vận hành xe phải đảm bảo được các nguyên tắc để có thể giữ an toàn.

Kiểm tra xe trước khi di chuyển

Trước khi khởi hành, bạn cần phải kiểm tra mọi bộ phận trên xe để chắc chắn rằng chiếc xe hoạt động tốt. Kiểm tra ắc quy trên xe bởi năng lượng trong ắc quy có thể bị tiêu hao mà bạn không nhận ra.

Ngoài ra, mọi bộ phận khác cũng cần ở trạng thái tốt nhất để có thể di chuyển trên đường một cách an toàn.

Di chuyển chậm

Khi bắt buộc phải di chuyển trong tình trạng mặt đường đóng băng, lái xe cần phải giảm tốc độ xuống thấp. Theo lời khuyên, hãy lái xe càng chậm càng tốt để có thể làm chủ tốc độ và kiểm soát tình huống.

Lái xe cần có thói quen quan sát đồng hồ công-tơ-mét để nắm được tốc độ của xe và điều chỉnh tốc độ cho phù hợp. Luôn lắng nghe âm thanh của xe cộ lưu thông trên đường và nắm bắt những gì đang diễn ra bên ngoài chiếc xe.

Giữ khoảng cách an toàn

{keywords}
Giữ khoảng cách an toàn để xử lý tình huống. (Ảnh: Wihihow)

Theo kinh nghiệm, đi trên đường có phủ lớp nước, quãng đường phanh của bất kỳ xe nào cũng dài hơn so với đường khô. Do vậy, người lái xe nên vận hành ở tốc độ an toàn theo khả năng của từng người và giữ khoảng cách với xe phía trước.

Khoảng cách an toàn với xe phía trước được tính bằng 2 thân xe để trong trường hợp bất ngờ, tài xế có thời gian xử lý tình huống, giữ vững an toàn cho người và xe.

Theo lời khuyên, khi di chuyển trong tình trạng đường trơn do băng, cần phải giữ khoảng cách an toàn khoảng 3 thân xe hoặc hơn gấp đôi so với thông thường để có thể làm chủ tốc độ và xử lý được các tình huống nguy hiểm. Tránh tuyệt đối tình trạng bám đuôi xe khác

Sử dụng các loại đèn chiếu sáng

{keywords}
Không hãm phanh để tránh mất lái (Ảnh: Driving)

Khi di chuyển trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, nên bật tất cả các loại đèn chiếu sáng (chiếu sáng, sương mù) được trang bị trên xe.

Thời tiết có băng/tuyết hay đi kèm với mù cũng thường khiến cho tầm quan sát kém đi. Lúc này, đèn ánh sáng trắng sẽ khó quan sát được đường sá xung quanh. Bạn cần chuẩn bị trước một đôi đèn chiếu gần sử dụng bóng đèn vàng (ít bị cản lại trong không khí và hơi ẩm). Kinh nghiệm của nhiều tài xế đường dài là khi di chuyển trên các đoạn đường núi hãy chuẩn bị thêm giấy bóng kính màu vàng.

Người lái cũng có thể đèn cảnh báo nguy hiểm (đèn hình tam giác trên bảng điều khiển) ở trạng thái nháy liên tục, nhằm báo hiệu cho các xe khác đang cùng lưu thông.

Hiểu chiếc xe bạn lái

Xe có trang bị hệ dẫn động 4 bánh (AWD và 4WD) sẽ là một phương tiện tuyệt vời khi di chuyển trên đường băng/tuyết. Hệ dẫn động này sẽ là trợ thủ đắc lực giúp xe duy trì độ bám đường và vượt qua những bãi tuyết; nhưng sẽ không thể giúp gì nếu mặt đường quá trơn và xe đang bị trượt mạnh.

Để có thể làm chủ mọi tình huống, người lái cần hiểu được các tính năng mà xe mình trang bị để sử dụng ở các tình huống khác nhau. Chẳng hạn hệ thống ổn định thân xe điện tử (ESP, VSC…), hệ thống kiểm soát lực kéo (TCS), hệ thống kiểm soát chống trượt (ASR); Hệ thống chống bó cứng phanh (ABS); kiểm soát độ bám đường (ESC)…là những tính năng hữu dụng khi di chuyển trên đường trơn.

Tránh tăng tốc và phanh gấp

Khi lái xe, tài xế cần tránh thực hiện những động tác đột ngột như đạp phanh, rồ ga, hay đánh lái đột ngột. Để có được điều này, bạn luôn phải tập trung lái xe, phán đoán tình huống.

Khi cần dừng xe hoặc chuyển hướng, tài xế phải có đèn báo hiệu từ xa, tốc độ chậm lại, từ từ dừng sát bên đường hoặc từ từ rẽ hướng, không được đột ngột thay đổi vận tốc hay hướng đi trong tình huống này.

Chú ý không nên phanh gấp, vì nếu làm như vậy, xe chạy phía sau không làm chủ tốc độ có thể lao tới đâm sầm vào xe phía trước gây tai nạn đáng tiếc.

Biết cách xử lý khi xe bị trượt

Khi xe gặp phải tình huống trơn trượt, điều quan trọng nhất là người lái phải giữ bình tĩnh để xử lý tình huống. Hoảng sợ sẽ chỉ làm tình hình tồi tệ hơn. Các tài xế kinh nghiệm cho biết, trong trường hợp trơn trượt, tuyệt đối không hãm phanh, bởi nó sẽ khiến xe bị trượt và mất lái.

Hãy nhẹ nhàng nhả ga và cẩn thận lái theo hướng bạn muốn để từ từ lấy lại cân bằng. Di chuyển chậm thêm khoảng 2 phút sau khi bị trượt bánh xe để bánh xe lấy lại lực bám thích hợp.

Hoàng Nam

Xe nhập khẩu chật vật cạnh tranh

Xe nhập khẩu chật vật cạnh tranh

Ước tính có 13.000 xe nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam trong tháng 12/2020. Dù lượng xe nhập khẩu về Việt Nam bùng nổ vào tháng cuối năm, nhưng không thể khiến bức tranh thị trường ô tô nhập khẩu năm qua tươi sáng hơn.