Việt Nam là thị trường nước ngoài trọng điểm của Gojek

Trong 5 quốc gia Đông Nam Á Gojek đang kinh doanh, Việt Nam là nước đông dân thứ hai, đồng thời có nhiều nét tương đồng với Indonesia nên trở thành thị trường trọng điểm của Gojek ở nước ngoài.

{keywords}
Một tài xế Gojek chở khách trên đường phố Jakarta, Indonesia. Tại Việt Nam, tài xế Gojek sẽ mặc áo màu xanh gần giống nhưng vẫn có nét đặc trưng riêng. Ảnh: Hải Đăng

Trong buổi trao đổi với PV ICTnews, ông Phùng Tuấn Đức - CEO Gojek Việt Nam - cho biết, Việt Nam và Indonesia có nhiều điểm chung như dân số đông, lực lượng tài xế xe máy đông đảo, nhu cầu di chuyển và ăn uống cao.

Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam cao hàng đầu khu vực, thu nhập người dân tăng lên, nhu cầu chi tiêu cá nhân tăng, biến Việt Nam thành thị trường tiềm năng cho các dịch vụ mới như Gojek đang triển khai.

“Với những lý do đó, Việt Nam là thị trường chủ chốt chiến lược trong kế hoạch phát triển lâu dài và mở rộng thị trường của Gojek”, ông Đức chia sẻ.

Gojek là công ty khởi nghiệp kỳ lân đầu tiên của Indonesia, mới đây nhận được đầu tư của Google, Facebook, Paypal, Tencent và trước đó là một số công ty công nghệ lớn khác, để nâng giá trị lên hơn 10 tỷ USD. Công ty bắt đầu bằng dịch vụ gọi xe, sau đó mở rộng các hoạt động khác nhằm trở thành một siêu ứng dụng.

Vào năm 2018, Gojek chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để tiến ra khu vực, lấy tên thương hiệu GoViet. GoViet do một đội ngũ người Việt lãnh đạo, tự phát triển app riêng và tự quyết định việc phát triển sản phẩm và mở rộng hoạt động ở thị trường Việt Nam. Sau đó, công ty thành lập ứng dụng Get để kinh doanh tại Thái Lan. Riêng tại Singapore, Gojek vẫn lấy tên nguyên bản như tại Indonesia.

Những thay đổi quan trọng khi GoViet trở thành Gojek Việt Nam

Cuối tuần trước, Gojek tuyên bố hợp nhất tất cả ứng dụng tại 5 thị trường thành một nền tảng duy nhất. Tại Việt Nam, GoViet sẽ trở thành Gojek Việt Nam. Đồng thời, ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập và nguyên Giám đốc vận hành của GoViet được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Gojek Việt Nam.

Việc hợp nhất các ứng dụng lại thành một, theo ông Đức, giúp Gojek triển khai nhanh hơn sản phẩm mới ra các quốc gia mà Gojek có mặt, qua đó tiếp tục mở rộng thị trường.

Hiện nay, Gojek Indonesia có khoảng 20 dịch vụ khác nhau, trong khi đó tại Việt Nam mới chỉ có 3 dịch vụ cơ bản gồm gọi xe máy, giao hàng, giao thức ăn.

Việc thống nhất thành một nền tảng chung khiến các quốc gia địa phương có thể triển khai nhanh hơn, đồng loạt hơn những dịch vụ phù hợp từ công ty ở Indonesia.

Trước đây, các ứng dụng tại mỗi quốc gia tách biệt nhau nên người cài đặt Gojek ở Indonesia không thể sử dụng nó ở Thái Lan hay Việt Nam và ngược lại. Đáng chú ý là, ứng dụng gọi xe Uber cũng chỉ có một nền tảng cho mọi thị trường.

Gojek hiện còn thiếu hai dịch vụ cơ bản rất tiềm năng tại Việt Nam gồm ví điện tử và gọi xe 4-7 chỗ. CEO Gojek Việt Nam không tiết lộ thời gian cụ thể sẽ ra mắt các sản phẩm này, tuy nhiên hứa hẹn sẽ chia sẻ thêm trong thời gian tới.

“Giới thiệu một ứng dụng Gojek duy nhất nhằm giúp chúng tôi tung ra các sản phẩm mới nhanh hơn. Do đó, tại Việt Nam sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều sản phẩm phù hợp thị trường”, ông Đức nói.

Việc trở thành Gojek Việt Nam cũng hứa hẹn gia tăng doanh thu cho đối tác tài xế và các nhà hàng. CEO sinh năm 1987 của Gojek Việt Nam khẳng định sẽ tăng cường các chương trình khuyến mại, đồng thời ra mắt dịch vụ mới, tiếp cận nhiều khách hàng hơn, do đó sẽ tăng trưởng mạnh hơn, góp phần gia tăng thu nhập cho các đối tác.

Ứng dụng Gojek mới hoàn toàn áp dụng cho cả 5 thị trường trong khu vực. Bên cạnh thay đổi giao diện để sử dụng tốt hơn, ứng dụng sẽ có thêm tính năng mới như cuộc gọi khẩn cấp, chat giữa khách hàng với tài xế.

Ra mắt thị trường Việt Nam vào tháng 8/2018, GoViet hoạt động trên ba lĩnh vực là gọi xe (GoBike), giao hàng (GoSend) và đặt đồ ăn (GoFood). Ứng dụng hiện có mặt tại Hà Nội và TP.HCM, có hơn 150.000 đối tác tài xế và 80.000 nhà hàng.

Gojek ra đời tại Indonesia năm 2010, Grab ra đời tại Malaysia năm 2011. Tại Việt Nam và toàn khu vực Đông Nam Á, Gojek cạnh tranh với đối thủ sừng sỏ là Grab. Hiện chưa thấy các hãng địa phương hay khu vực nào đủ tiềm lực để cạnh tranh với hai công ty này.

Sau hợp nhất, các tài xế GoViet vốn mặc màu áo đỏ, đội mũ bảo hiểm đỏ sẽ chuyển sang các trang phục màu xanh đen cho giống với hình ảnh nhận diện chung của Gojek. Tuy nhiên, trang phục này vẫn có các điểm được địa phương hoá cho khác với những thị trường khác.

Hải Đăng

GoViet sắp đổi tên thành Gojek, bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới

GoViet sắp đổi tên thành Gojek, bổ nhiệm Tổng Giám đốc mới

Nằm trong chiếc lược toàn khu vực, tại Việt Nam, GoViet sắp được hợp nhất ứng dụng và tên thương hiệu với Gojek. Ông Phùng Tuấn Đức, đồng sáng lập và nguyên là Giám đốc Vận hành GoViet, đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc của Gojek Việt Nam.