Rút ngắn thời hạn GPLX còn 5 năm: 'Tôi đi đổi quen rồi cũng mất 2 ngày'
Đề xuất rút thời hạn giấy phép lái xe xuống 5 năm có khả thi? 

Ngày 25/8, Đại tá Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết đề xuất rút ngắn thời hạn giấy phép lái xe hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE được đưa ra tại dự thảo (lần 5) Luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông, với mục đích "quản lý sức khỏe của tài xế tốt hơn".

Theo quy định hiện nay, bằng lái B1, B2 cấp cho tài xế ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi; ô tô tải, máy kéo trọng tải dưới 3.500kg có thời hạn 10 năm.

Bộ Công an đề xuất các loại bằng lái này sẽ chỉ còn hiệu lực trong 5 năm kể từ ngày cấp.

Anh Nguyễn Văn Đông, giáo viên dạy lái xe tại một Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe ở Hà Nội cho rằng “không nên rút ngắn thời hạn của bằng lái hạng B xuống 5 năm mà nên giữ nguyên 10 năm như hiện nay”.

Bản thân từng nhiều lần đi đổi bằng lái, anh Đông thấy mất thời gian, công sức. Theo lời kể của anh Đông, dù là người “trong nghề”, nhưng mỗi lần đến hạn đổi giấy phép (có thời điểm bằng lái của anh chỉ có thời hạn trong 3 năm), anh vẫn phải chạy đi chạy lại ít nhất 2 ngày để làm các thủ tục.

Buổi đầu tiên, anh đến cơ quan có chức năng cấp đổi thẻ xin tờ khai cấp đổi giấy phép lái xe để kê khai thông tin theo mẫu, bao gồm: tên tuổi, nơi cư trú, số CMND, số giấy phép lái xe....

Thao tác này hiện nay có thể thực hiện trực tuyến. Sau khi điền đầy đủ thông tin vào tờ khai trực tuyến, hệ thống sẽ xác nhận và cấp cho người đăng ký một mã số (số thứ tự) hẹn ngày, giờ đến làm việc.

Tại Sở Giao thông vận tải, người có nhu cầu cấp đổi giấy phép lái xe sẽ được kiểm tra hoàn tất hồ sơ, nếu không gặp vấn đề trục trặc sẽ được gọi ra chụp ảnh và hẹn sau 7 ngày tới lấy bằng được cấp mới.

“Chúng tôi làm quen rồi nên việc hoàn thiện hồ sơ cấp đổi gần như không gặp sai sót, nhưng cả quá trình đi đổi giấy phép lái xe thông thường cũng mất tới 2 ngày. Với những người lần đầu, chắc sẽ mất nhiều thời gian hơn do việc khai sai hoặc thiếu các giấy tờ cần thiết”, anh Đông chia sẻ.

Vị giáo viên dạy lái xe nhận định, nếu nội dung dự thảo này được áp dụng thì sẽ ảnh hưởng tới hàng ngàn người và gây lãng phí lớn.

“Mỗi người trung bình mất hai ngày lao động cũng là một khoảng thời gian lớn. Chưa kể, sau mỗi lần cấp đổi, người dân lại phải đóng một khoản phí, lệ phí như hiện nay là 130.000 đồng/người/lần cấp đổi. Cứ nhân với số người hàng năm phải cấp đổi bằng lái sẽ ra số tiền lớn”, anh Đông phân tích.

Với kinh nghiệm nhiều năm cầm vô lăng, anh cho rằng nếu chỉ thay đổi giấy phép lái xe về hình thức thì không có tác dụng gì như mục tiêu dự thảo luật đề ra để quản lý sức khỏe của tài xế. Vì khi đi đổi thẻ, người có nhu cầu chỉ cần mang bằng cũ, hồ sơ mà không yêu cầu phải có giấy khám sức khoẻ mới nhất… Việc đổi thẻ như vậy chẳng khác gì “vẽ ra để thu”.

Thêm nữa, đổi thẻ sau 5 năm chỉ để đảm bảo chất lượng lái xe thì liệu có kèm thêm bài thi sát hạch hay không? Nếu có thì chẳng khác một lần thi mới.

"Trên thực tế, để được cấp bằng lái xe lần đầu như hiện nay, người học phải rất vất vả., học hành nghiêm túc mới đỗ. Để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, điều quan trọng nhất là ý thức của tài xế. Nếu họ tuân thủ pháp luật, tự ý thức việc giữ an toàn cho chính mình và người khác thì sẽ hạn chế được tối đa tai nạn...

Bộ Công an nên giữ nguyên quy định thời hạn bằng lái 10 năm như hiện nay. Điều cần thiết là cần tăng cường kiểm tra sức khoẻ định kỳ của lái xe và tuyên truyền người dân chấp hành tốt các quy định về giao thông", anh Đông nói.

N. Huyền

Giấy phép lái xe cấp từ ngày 1/6/2020 phải có mã QR

Giấy phép lái xe cấp từ ngày 1/6/2020 phải có mã QR

Giấy phép lái xe được cấp sau 1/6 bắt buộc phải in mã QR và liên kết với hệ thống thông tin quản lý. Quy định này áp dụng đối với tất cả các loại bằng lái xe được cấp mới.