Lo ngại về suy thoái kinh tế gây ra bởi lạm phát phi mã cũng như tình hình địa chính trị bất ổn tại châu Âu, càng thúc đẩy các hãng sản xuất smartphone chuyển trọng tâm sang sản xuất xe điện, lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển khi thế giới hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh.

Trong kỷ nguyên kết nối, động cơ và khung gầm truyền thống không còn là các yếu tố quyết định đến thành bại của một chiếc xe. Thay vào đó, hệ sinh thái bên trong như hệ thống tự hành, trợ lý ảo, khả năng kết nối giữa các phương tiện, tương tác giữa sản phẩm và con người trở thành những điểm thuyết phục người tiêu dùng.

“Những chiếc xe điện giờ đây đã được chuyển đổi từ ngành công nghiệp cơ khí thành một sản phẩm của ngành công nghiệp thông tin”, Lei Jun, Chủ tịch tập đoàn Xiaomi cho hay.

Xét trên khía cạnh này, những công ty công nghệ vốn là “người đến sau” nhưng đang có lợi thế để “về đích trước” so với các hãng chế tạo xe truyền thống, khi nắm trong tay hàng loạt bằng sáng chế có thể tạo ra cuộc cách mạng với trải nghiệm di chuyển của con người.

{keywords}
Những chiếc xe điện giờ đây đã được chuyển đổi từ ngành công nghiệp cơ khí thành một sản phẩm của ngành công nghiệp thông tin.

Thời của những nhà sản xuất xe điện “tay ngang”

Sự ra đời của iPhone được ví như đã “phát minh lại” điện thoại di động, theo lời của cố CEO Steve Jobs. Giờ đây, công ty của ông đang muốn làm điều tương tự với xe hơi khi ngấm ngầm chuẩn bị kỹ càng nền tảng công nghệ để chiếm lĩnh miếng bánh xe điện tiềm năng.

Lịch sử nộp đơn đăng ký bằng sáng chế của Apple cho thấy công ty đã “xoay trục” chuẩn bị cho cuộc đua xe điện từ lâu. Theo đó, Apple đang sở hữu nhiều bằng sáng chế liên quan đến xe tự hành, hệ thống phần mềm trên xe cũng như phần cứng nhằm nâng cao sự tiện nghi cho người dùng, chẳng hạn như thiết kế cửa sổ, ghế ngồi hay hệ thống treo. Nikkei và Intellectual Property Landscape cho biết tính tới ngày 1/6, Apple đã đăng ký và xuất bản 248 bằng sáng chế về lĩnh vực ô tô.

“Không giống như Google tập trung vào công nghệ tự hành, Apple đang xây dựng hệ sinh thái nhằm phát triển một chiếc xe của riêng hãng”, Akira Yamaguchi, CEO Intellectual Property Landscape cho hay.

Trong khi đó, cuộc đua cũng nóng lên với sự tham gia của các công ty, tập đoàn viễn thông lớn đến từ Trung Quốc. Tháng 12 năm ngoái, Huawei “chào sân” thị trường xe điện với chiếc Aito M5, mẫu xe chạy hệ điều hành Harmony OS do hãng tự nghiên cứu phát triển. Ông lớn viễn thông Trung Quốc nói rằng hãng không tự sản xuất xe điện mà tập trung vào các công nghệ mang tính hợp tác với những nhà sản xuất khác.

Xiaomi, một gã khổng lồ smartphone khác, có kế hoạch ra mắt 4 mẫu xe điện gồm 2 mẫu trung cấp và 2 mẫu cao cấp trong thời gian sắp tới. Dự kiến, nguyên mẫu của những xe này xuất hiện vào quý III/2022 và chiếc đầu tiên sẽ được sản xuất trong năm 2024.

Tập đoàn điện tử Nhật Bản Sony Group cũng nhất định không chịu ngồi yên. Tại triển lãm công nghệ CES 2022 tại Las Vegas, hãng thông báo thành lập Sony Mobility, công ty con chịu trách nhiệm nghiên cứu và sản xuất các mẫu phương tiện chạy điện.

“Chúng tôi đang nghiên cứu ra mắt những chiếc xe điện thương mại mang thương hiệu của Sony”. Kenichiro Yoshida, Chủ tịch tập đoàn tiết lộ. “Quá trình này sẽ cho thấy một công ty chuyên giải trí sáng tạo cũng có thể định hình lại cách mọi người di chuyển”.

‘Nóng’ cuộc đua hệ sinh thái công nghệ xe hơi

Ngay từ ban đầu, Apple đã tập trung vào công nghệ kết nối giữa điện thoại và xe hơi. Đặc biệt là trong mảng định vị nhằm dọn đường ra mắt Apple CarPlay vào năm 2014, cho phép một số tính năng trên xe được điều khiển thông qua điện thoại iPhone do hãng sản xuất.

Gã khổng lồ công nghệ và dịch vụ Mỹ còn tập trung xây dựng công nghệ V2X (Vehicle-To-Everything), nền tảng cho phép các xe ô tô giao tiếp với nhau và kết nối đám mây IoT. Chưa dừng lại, năm 2017, Apple nộp đơn đăng ký sáng chế hệ thống tham gia giao thông trên cao tốc, một tác vụ đặc biệt khó khăn mà Toyota và các hãng xe khác đang chạy đua để hoàn tất.

Apple dường như muốn tận dụng danh tiếng của mình với tư cách là nhà sản xuất thiết bị thân thiện với người dùng như iPhone và iPad để tạo ra những chiếc xe tốt hơn, phản ánh qua các bằng sáng chế tương tự như ứng dụng CarPlay của hãng.

Vào tháng 6 vừa qua, công ty sản xuất iPhone thông báo đã ký thoả thuận hợp tác với hơn 14 thương hiệu sản xuất xe hơi trên khắp thế giới, trong đó có Nissan Motor, Honda Motor và Ford Motor để triển khai hệ thống CarPlay mới nhất.

Thế nhưng, về lâu dài khó có khả năng các nhà sản xuất ô tô từ bỏ quyền kiểm soát trải nghiệm bên trong chiếc xe do họ sản xuất vào tay một công ty thứ ba. Đến nay, đan xen với các thoả thuận hợp tác ứng dụng công nghệ của nhau, nhiều nhà xe cũng lựa chọn phát triển nền tảng phần mềm riêng.

Toyota dự định trình làng nền tảng Arene vào năm 2025, cho phép kiểm soát mọi hoạt động trên xe. Honda có kế hoạch ra mắt hệ thống phần mềm quản lý vào năm 2026. Volkswagen hay Mercedes-Benz cũng đang phát triển hệ điều hành riêng dành cho xe tự hành.

Năm 2025 dự kiến là một bước ngoặt với các dòng xe ô tô được kết nối gồm cả những phương tiện chạy điện. Hiệp hội GMS, đại diện cho các nhà khai thác mạng di động toàn cầu dự báo đến thời điểm nêu trên, mạng 5G trở nên phổ biến với hơn 2 tỷ kết nối tương đương 20% tổng số kết nối di động. Kết hợp với xu hướng giảm của giá thành pin điện, những chiếc xe điện thông minh sẽ lên ngôi.

Vinh Ngô

 

Xe điện đầu tiên của Xiaomi xuất hiện

Xe điện đầu tiên của Xiaomi xuất hiện

Vào tháng 3/2021, Xiaomi chính thức bước vào ngành công nghiệp xe điện thông minh, và giờ đây, một blogger về ô tô đã tiết lộ bức ảnh về chiếc xe điện tự lái đầu tiên của Xiaomi.