Theo Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN), năm 2004, đơn vị này đã ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Mục tiêu của việc ban hành phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô nhằm đáp ứng được các yêu cầu về quản lý nhà nước và giải quyết việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, sau thời gian dài triển khai, hiện nay, các văn bản quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô đã không còn phù hợp với thực tiễn.

Các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô ở Việt Nam (cả trong nước và FDI) hiện đang áp dụng phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô theo cách tính tỷ lệ phần trăm giá trị của linh kiện, phụ tùng so với tổng giá trị của toàn xe như cách tính tỷ lệ nội địa hóa của các nước thuộc khối ASEAN, bảo đảm tính khách quan và từng bước tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất ô tô toàn cầu.

{keywords}
Một số quy định xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô sắp được bãi bỏ. Ảnh minh họa: Honda

Do đó, việc thay đổi quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô là thực sự cần thiết, phù hợp với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp sản xuất trong nước và phù hợp với cách tính tỷ lệ nội địa hóa của các nước thuộc khối ASEAN.

Cũng trong năm 2005, Bộ KHCN cũng đã có quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu nhằm phục vụ cho phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Qua thời gian triển khai thực hiện, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của công nghệ sản xuất ô tô.

Thực tế hiện nay, quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới đã có nhiều thay đổi, so với thời điểm ban hành quy định về mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu.

Trong khi đó, nhiều căn cứ pháp lý quy định về tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu cũng đã thay đổi. Trong đó, phải kể đến Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 xác định Việt Nam phải tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, cách thức quản lý đối với nội dung này cũng cần phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Trong ngắn hạn, chênh lệch thuế suất thuế nhập khẩu của xe nguyên chiếc (CBU) và bộ linh kiện (CKD) đã không còn, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc (CBU) từ các nước trong khu vực và trên thế giới nhập khẩu vào Việt Nam đã và đang dần giảm về 0% thông qua cam kết trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết như ATIGA, CPTPP, EVFTA… Do đó, tại các Nghị định đã ban hành, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung quy định về mức độ rời rạc, đảm bảo phù hợp với thực tế.

Theo đó, Bộ KHCN đang dự thảo quy định nhằm bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ KHCN ban hành, quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của các linh kiện ô tô nhập khẩu, bảo đảm sự phù hợp với thực tiễn áp dụng tại Việt Nam.

Việc bãi bỏ các quy định này được cho là phù hợp với sự phát triển, thay đổi quy trình công nghệ sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và trên thế giới hiện nay nhằm bảo đảm tính minh bạch, hợp lý; không gây phát sinh thủ tục hành chính, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và khoa học và công nghệ. Đồng thời, bảo đảm được các điều ước và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước khác.

Duy Vũ

Nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp lắp ráp ô tô

Nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp lắp ráp ô tô

Gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm 50% phí trước bạ là hai chính sách được đề xuất nghiên cứu nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong ngắn hạn trước tác động của dịch Covid-19.