Về cơ bản, "refresh rate" có nghĩa là tần số làm tươi màn hình, cứ mỗi giây lại có các khung hình chạy trên màn hình, thay đổi hình ảnh hiển thị. Chúng ta hay gọi là "tần số quét" - số lượng khung hình được trình chiếu mỗi giây liên tục. Tần số phổ biến là 60Hz, nhưng con số này tỏ ra kém hấp dẫn nên các nhà sản xuất không dùng nó. Thay vào đó, mỗi hãng lại đặt ra một thuật ngữ tiếp thị riêng, đi kèm một con số làm tươi thật hoành tráng. Thực tế, những con số 200Hz, 400Hz hay 1.000Hz mà họ đưa ra, chẳng có con số nào là thật cả. Không có chiếc TV 4K nào có tần số làm tươi nguyên gốc của tấm nền, vượt quá 120Hz.

"Motion blur" khiến hình ảnh bị nhòe đi

Trước khi đi vào sâu hơn, chúng ta cần hiểu nhanh những vấn đề cơ bản sau:

  • Tần số làm tươi là số lần TV làm mới hình ảnh mỗi giây (đơn vị hertz hoặc Hz).

  • Các bộ phim thường sử dụng tốc độ 24 khung hình mỗi giây (24fps hay 24Hz), chương trình truyền hình trực tiếp thì là 30 hoặc 60.

  • Phần lớn TV của chúng ta là 60Hz, loại cao cấp thì có thể lên đến 120Hz. Trong quá khứ, từng có một số TV Full HD đạt được 240Hz.

  • Tần số làm tươi được đẩy lên cao, là để giảm bớt hiện tượng nhòe khung hình vốn xảy ra với tất cả các TV hiện nay.

  • "Nhòe khung hình" là hiện tượng xảy ra với các cảnh hành động. Đối tượng trên khung hình bị mò nhòe không còn rõ nét, hoặc đôi khi là toàn bộ khung hình.

  • Các hãng thường bổ sung nhiều công nghệ khác để các TV tuy có tần số làm tươi thấp, nhưng hình ảnh hiển thị lại có độ phân giải chuyển động tương tự loại có tần số quét thực cao hơn.

Không có chiếc TV 4K nào có tần số làm tươi nguyên gốc của tấm nền, vượt quá 120Hz

Các hãng "chém gió" về tần số quét như nào?

Họ thường lờ đi con số thực và cố "nhồi sọ" bạn rằng sản phẩm có khả năng làm được nhiều hơn thế. Dưới đây là những cái tên phục vụ cho việc đó.

  • LG: TruMotion. Đây là từ ngữ mà LG sử dụng, thường đi kèm một con số phóng đại. "TruMotion 240" có nghĩa tần số quét thực là 120Hz, còn "TruMotion 120" thì là 60Hz.

  • Samsung: Motion Rate. Samsung thường liệt kê con số không có thực lên gấp đôi, đối với các mẫu 4K và 8K. "Motion Rate 240" tương đương với 120Hz. Ở các TV giá rẻ, "Motion Rate 60" có nghĩa là 60Hz. Một số mẫu thì nêu ra con số 200.

  • Sony: Motionllow XR. Công ty Nhật Bản thường liệt kê tần số quét bằng công nghệ "Motionllow XR", bên cạnh là một con số 240, 960 hoặc có thể lên tới 1440. Tuy nhiên bỏ qua các con số hư cấu đó, bạn có thể kiểm tra thông tin chi tiết sản phẩm và thấy họ ghi "Native 60/120 Hz" bên cạnh. Đây mới là tần số quét thực của tấm nền.

Với những người khắt khe về tần số làm tươi, mức 120Hz "thực" sẽ là cần thiết để có trải nghiệm tốt về hình ảnh.

Lấy ví dụ mẫu Bravia X85G của Sony, tra cứu trên trang web cho thấy tần số quét thực là 120Hz, không phải con số nêu bên cạnh thương hiệu Motionflow XR

Tần số quét có ý nghĩa gì?

Tại Việt Nam, các TV không chạy ở mức 60Hz hay 120Hz như thông số liệt kê trên trang nước ngoài. Do vấn đề về lưới điện, tần số quét ở nước ta sẽ là 50Hz và 100Hz. Mức 50 hay 60, 100 hay 120 thì vẫn như nhau, nhưng bây giờ đặt ra câu hỏi tại sao họ phải cố tăng tần số của TV lên?

Chính là vì "mờ nhòe chuyển động", một hiện tượng xảy ra khi bạn thấy một vật thể, hoặc toàn bộ khung hình đang chuyển động bị mờ đi, không còn rõ nét. Đây thực chất là do não bộ. Khi nó nhìn thấy khung hình chuyển động, bộ não sẽ giả định khung hình tiếp theo như thế nào ở khoảnh khắc tiếp theo. Vấn đề là các TV lại giữ số hình ảnh ở mức 60 mỗi giây, còn não thì nghĩ rằng nó phải là chuyển động, phải làm mờ. Kết quả là loạt hình ảnh tĩnh đã bị làm mờ thực sự.

Sẽ có người thấy khó chịu, có người thì không nhận ra. Còn các hãng thì luôn muốn khẳng định sự vượt trội về công nghệ của mình, do vậy họ tìm cách loại bỏ hiện tượng này. Nếu chỉ nhân đôi khung hình thì sẽ không giảm triệt để hiện tượng nhòe khung hình. Cần có hướng đi mới cho vấn đề này.

Các hãng có thể dùng cách nội suy khung hình, chèn khung hình đen hoặc quét đèn nền để xử lý chuyển động

Cách thứ nhất là nội suy khung hình. TV dùng thuật toán để xây dựng nên một khung hình mới, dựa trên vị trí các đối tượng ở khung hình trước và sau. Nó dự đoán đường đi của các điểm ảnh và chèn vào trung điểm của hai vị trí khác biệt, nhằm cố tạo ra một hình ảnh mới hợp lý. Nếu suôn sẻ, thuật toán thực sự có thể lừa bạn rằng không có mờ nhòe xảy ra. Nếu quá đà, có thể biến bộ phim thành một chương trình truyền hình thực tế, mất "chất phim". Rất nhiều người căm ghét việc này, vì nó khiến hình ảnh bị biến dạng, không còn giống như phim nữa.

Một giải pháp khác hiệu quả hơn là chèn khung hình đen (BFI) hoặc quét đèn nền. Đó là khi một phần hoặc tất cả đèn nền tắt hoàn toàn, không còn hình ảnh mờ nữa nên bạn cũng không thấy khó chịu. Tuy nhiên, nếu làm vụng về thì bạn có thể thấy TV bị nhấp nháy, ngoài ra, đèn nền tắt cũng có nghĩa là nguồn cung cấp ánh sáng không còn. Hình ảnh có thể bị tối đi. Tuy nhiên dù là dùng cách nào, thuật toán mỗi hãng là độc quyền nên có thể hiệu quả sẽ khác nhau, kể cả chọn hướng xử lý giống nhau.

Bạn có nên quan tâm?

Đừng tin vào marketing!

Điều đầu tiên bạn nên quan tâm, đó là đừng tin vào marketing. Ít nhất là các con số bề nổi đang được hãng thổi phồng. Chúng được thiết kế để lôi kéo bạn mua hàng, chứ không phải để bạn nhìn nhận đúng đắn về sản phẩm.

Nếu bạn quan tâm đến tần số quét, rất xứng đáng để tìm một chiếc TV 4K có tấm nền 120Hz "xịn". Thật lãng phí nếu để chuyển động mờ nhòe phá hủy trải nghiệm hình ảnh, chỉ vì bạn đã chủ quan "tin tưởng" vào nhân viên bán hàng. Ngoài ra, nếu có vốn tiếng Anh đủ tốt, bạn nên kiểm tra qua các bài đánh giá từ các chuyên trang, họ sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn khách quan hơn về việc TV xử lý chuyển động trong thực tế như thế nào. Thay vì chỉ trích dẫn con số khô khan mà nhà sản xuất đã cố tình làm nổi bật.

Ambitious Man