{keywords}
Các dạng vật liệu có thể chuyển thành năng lượng sinh khối

Năng lượng sinh khối (biomass energy) là năng lượng được tạo ra từ các vật liệu dư thừa như trấu, rơm rạ, bã mía hoặc chất thải từ các hoạt động sinh hoạt của con người (rác, bùn/nước cống). Sinh khối là sử dụng các vật liệu này chuyển hóa thành điện năng (sinh hóa, hóa học) hoặc nhiệt năng (đốt).

Với đặc thù là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng khai thác khoảng 150 triệu tấn các loại này mỗi năm. Việc làm này không chỉ giúp giảm bớt các chất thải ra môi trường mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm bớt phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Chẳng hạn, sản xuất điện từ gỗ củi có tiềm năng quy đổi đạt 14,6 triệu tấn dầu, các loại phế thải là 20,6 triệu tấn dầu quy đổi và rác thải đô thị là khoảng 1,5 triệu tấn dầu quy đổi vào năm 2030.

Các dạng sinh khối khác như trấu ở Đồng bằng sông Cửu Long, bã mía ở các nhà máy mía đường có thể áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) để hòa vào lưới điện quốc gia. Đồng bằng sông Cửu Long chính là vùng có tiềm năng phát triển năng lượng sinh khối lớn nhất cả nước (33.4%), kế đó là Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung (21.8%).

Đặc biệt, năng lượng sinh khối từ bã mía đang có tiềm năng rất lớn để cân bằng nguồn cung điện cho thủy điện vào mùa khô, thời điểm sản xuất điện của các nhà máy mía đường. Theo tính toán, đến năm 2030 cả nước sẽ có 40 triệu tấn mía, tương ứng công suất phát điện 1.600MW, điện năng từ bã mía đạt 4,7 triệu MWh, tương đương 2,8 tỷ kWh điện thương phẩm hòa lưới điện quốc gia. 

{keywords}
Cả nước có khoảng 41 nhà máy mía đường, đóng vai trò quan trọng trong sản xuất năng lượng sinh khối

Theo Quy hoạch điện VII, mục tiêu đến năm 2025 và 2030 nguồn năng lượng sinh khối chiếm 1,2% và 2,1% tổng sản lượng điện quốc gia, tương ứng công suất 1.200 MW và 3.000 MW. Trong khi đó, sáu tháng đầu năm, công suất điện sinh khối nối lưới của Việt Nam đạt khoảng 350MW, tương đương 50% mục tiêu của năm 2020. 

Vì thế, điện sinh khối rất cần một cơ chế khuyến khích đặc thù tương tự như đối với năng lượng tái tạo (mặt trời, gió...). Quyết định 08/2020/QĐ-TTg vừa được Chính phủ ban hành như một cú hích đối với phát triển năng lượng sinh khối. Theo Quyết định này, với dự án đồng phát nhiệt - điện thì giá mua cố định trong 20 năm là 1.634đ/kWh, còn dự án không phải là đồng phát nhiệt - điện giá mua là 1.968đ/kWh.

Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển điện sinh khối, theo ông Phạm Nguyên Hùng - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn Xây dựng điện 1, ngoài cơ chế về giá, Chính phủ cần gỡ vướng các quy định, thủ tục đầu tư cần sự phê duyệt của các Bộ, ban, ngành Trung ương, hướng dẫn cụ thể việc bổ sung các dự án điện sinh khối theo Luật Quy hoạch. 

{keywords}
Dư địa cho phát triển năng lượng sinh khối vẫn còn rất lớn, từ bã mía, gỗ vụn đến trấu rơm rạ

Khi các nút thắt được gỡ, năng lượng sinh khối sẽ dễ dàng thu hút được sự đầu tư đến từ khu vực tư nhân.

Về vấn đề thời vụ thu hoạch mía chỉ kéo dài 3 tháng, Ông Vũ Hiệp - PGĐ Trung tâm Năng lượng tái tạo - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) tư vấn, các nhà máy cần linh hoạt lựa chọn công nghệ và nhiên liệu thay thế (như gỗ vụn, trấu, rơm rạ…) để tăng khả năng phát điện quanh năm từ đó tăng doanh thu, đảm bảo tính ổn định, lâu dài của dự án. 

Về điện sinh khối từ các nhà máy nhiệt điện đốt rác thải, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ hiện đã có một số dự án xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi năng lượng để phát điện. Theo Quy hoạch phát triển điện lực TP.HCM, thành phố dự kiến đưa vào hoạt động các nhà máy này với tổng công suất khoảng 45MW sau năm 2025.

Khái niệm biomass energy trên thế giới được hiểu là đơn giản là năng lượng từ những thứ có sự sống, đa phần có nguồn gốc thực vật hoặc chất thải động vật. Tại Việt Nam, năng lượng sinh khối còn bao hàm cả đồng đốt nhiên liệu sinh khối với than tại các nhà máy điện than, phát điện từ chất thải rắn.

Như vậy tiềm năng và dư địa của phát triển năng lượng sinh khối hiện nay là vô cùng to lớn. Vấn đề lớn nhất hiện nay chính là việc đầu tư vào các nhà máy sinh khối yêu cầu hàm lượng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, cần có sự nghiên cứu, đầu tư chuyên sâu vào thực hiện dự án kết hợp các giải pháp đồng bộ của Chính phủ.

Phương Nguyễn

Đèn LED trong công cuộc chuyển mình ở Việt Nam

Đèn LED trong công cuộc chuyển mình ở Việt Nam

Hàng loạt ngành nghề, lĩnh vực công đã có sự thay thế, chuyển dần từ các loại đèn truyền thống sang đèn LED nhằm đem đến lợi ích về tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường