Kể từ năm 2013 đến nay, theo lộ trình chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc, nhiều mặt hàng điện tử điện lạnh đến xe cơ giới đã phải dán nhãn tiêu thụ năng lượng. Đây là nhãn chứa thông tin về loại năng lượng sử dụng, hiệu suất năng lượng và các thông tin cơ bản để người tiêu dùng có sự so sánh đối chiếu với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Với các sản phẩm như bóng đèn, điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, nồi cơm điện, quạt điện áp dụng dán nhãn bắt buộc từ năm 2013, người tiêu dùng chỉ cần quan tâm đến nhãn so sánh và nhãn xác nhận của sản phẩm là đủ. Trong đó, nhãn xác nhận là chứng nhận sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao nhất so với các sản phẩm cùng loại. 

Còn trên nhãn so sánh, căn cứ theo các mức tiết kiệm từ 1 sao đến 5 sao, người tiêu dùng có thể dễ dàng chọn mua sản phẩm tiết kiệm năng lượng mà không phải tìm hiểu quá nhiều. Bởi các sản phẩm đã được đánh giá theo các tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện, dựa trên bộ 44 TCVN do Bộ Khoa học Công nghệ (Bộ KHCN) xây dựng. 

{keywords}
Nhãn xác nhận (trái) và nhãn so sánh

Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ khi áp dụng đến tháng 06/2018, khoảng 15.000 mã sản phẩm thuộc 19 chủng loại thiết bị đã được dán nhãn năng lượng. Về mục tiêu cụ thể của chương trình này, Bộ Công Thương kỳ vọng tiết kiệm tiêu dùng tích lũy khoảng 10 nghìn tỷ đồng (480 triệu USD), tương đương giảm khoảng 34 triệu tấn khí thải carbon dioxide (CO2) vào năm 2030.

Tuy nhiên, chuyển biến lớn chỉ thực sự diễn ra khi ô tô, xe máy cũng phải tuân thủ lộ trình dán nhãn bắt buộc, tương ứng từ 01/01/2019 và 01/01/2020 do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì thực hiện. Các thông tin này được công khai trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT) giúp người tiêu dùng có thêm cơ sở để lựa chọn loại xe, dòng xe phù hợp với nhu cầu của bản thân hoặc gia đình.

Theo thống kê của ICTNews đến thời điểm viết bài, cả nước hiện có 945 xe ô tô được cấp giấy chứng nhận về mức tiêu thụ nhiên liệu. Trong đó, hai loại xe có mức tiêu thụ nhiên liệu chu trình kết hợp thấp nhất là Kia Morning TA 12G E2 MT-1 và MT-2 (3,3 lít/100km).

Loại xe có mức tiêu thụ nhiên liệu đi trong nội thành thấp nhất là Suzuki Celerio GL MT (5,27 lít/100km). Với xe tiết kiệm nhiên liệu nhất khi đi ở ngoại thành, hai dòng MT-1 và MT-2 của Kia Morning tiếp tục không có đối thủ (1,74 lít/100km). Ngược lại, Rolls-Royce Ghost EWB hiện là chiếc xe tốn nhiên liệu nhất theo thống kê của ICTNews, với các thông số lần lượt là 19,3 lít/100km, 28,19 lít/100km và 14,23 lít/100km cho quãng đường kết hợp, đi nội thành và ngoại thành. 

Tương tự với 392 mẫu xe mô tô, xe gắn máy được dán nhãn tính tới thời điểm viết bài, loại xe hai bánh tiết kiệm xăng nhất là Lifan 50RS (0,97 lít/100km), tốn xăng nhất là chiếc phân khối lớn BMW S 1000 XR (8,155 lít/100km), theo thống kê của ICTNews.

{keywords}
Ô tô xe máy cũng phải dán nhãn năng lượng

Mặc dù mức tiêu thụ nhiên liệu của ô tô xe máy trên nhãn so với thực tế có thể sai số ít nhiều phụ thuộc vào tình trạng xe, kỹ năng của người lái, mật độ giao thông, loại nhiên liệu, tuy nhiên việc dán nhãn năng lượng là một cách thức hiệu quả để xây dựng lộ trình tiến tới áp đặt các tiêu chuẩn về trần tiêu thụ nhiên liệu, buộc các nhà sản xuất phải đầu tư công nghệ, cải tiến động cơ sao cho tiết kiệm nhiên liệu và thích ứng với công nghệ xăng sinh học hiện nay. 

Trước Việt Nam, Trung Quốc là nước duy nhất áp dụng tiêu chuẩn tương tự cho xe cơ giới và còn đưa ra mức nhiên liệu hạn định không được vượt qua. Chẳng hạn xe từ 50-100cc không được tiêu thụ quá 2,3 lít/100km, xe 100-150cc không vượt quá 2,5 lít/100km. Nước này tiếp tục đang xây dựng giai đoạn hai của tiêu chuẩn tiêu thụ nhiên liệu nhưng chưa rõ lộ trình.

Như vậy, dán nhãn năng lượng đã đem đến hiệu quả tích cực là giúp cung cấp thông tin trực quan, tin cậy cho người dân. Cùng với việc nâng cấp dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, chương trình dán nhãn năng lượng đang ngày càng đi vào cuộc sống để trở thành một phần không thể thiếu trong mục tiêu quốc gia về tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững.

Phương Nguyễn

Hiểu đúng để không e ngại xăng sinh học

Hiểu đúng để không e ngại xăng sinh học

Dù thế giới đã có xu hướng chuyển sang xăng sinh học từ lâu, nhưng tâm lý người Việt vẫn e ngại trước xăng sinh học do chưa hiểu đúng về chế phẩm này.