Hiệu quả sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp

Nâng cao chất lượng sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, bảo tồn tài nguyên năng lượng là giải pháp quan trọng trong chính sách an ninh năng lượng quốc gia hiện nay của Việt Nam. TS. Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, mới đây đã chia sẻ thêm về tầm quan trọng của chính sách này.

Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, chỉ số cường độ năng lượng sơ cấp tính theo MJ/USD, áp dụng giá cơ sở 2015 cho năm 2019 của Việt Nam, vào khoảng 5,94, thấp hơn so với Trung Quốc (6,69) nhưng cao hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực ASEAN (Malaysia: 4,68; Indonesia: 3,53; Philippines: 312).

Chỉ số này của Việt Nam cũng cao hơn Ấn Độ (4,73), và cao hơn rất nhiều so với các nền kinh tế hiện đại. Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam không hiệu quả về mặt năng lượng so với ngay cả các nền kinh tế khác trong khu vực.

Hiệu suất sử dụng nguồn năng lượng trong các nhà máy điện tuabin hơi đốt than, dầu của nước ta chỉ đạt được từ 28% đến 36%, thấp hơn so với các nước phát triển khoảng 8-10%. Hiệu suất các lò hơi công nghiệp chỉ đạt xấp xỉ 70% vào năm 2014, tuy nhiên mức này vẫn thấp hơn mức trung bình của thế giới khoảng 10% và nếu so với các nước phát triển thì còn thấp hơn nữa.

Kinh nghiệm của các quốc gia thành công khi xây dựng một nền kinh tế có năng lực cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả năng lượng và giảm phát thải, cho thấy các hoạt động tổng thể về tiết kiệm năng lượng cần được duy trì, củng cố và hoàn thiện liên tục cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhìn từ góc độ kinh tế, nhiều tổ chức quốc tế có uy tín nghiên cứu về an ninh năng lượng cho rằng, việc đầu tư hiệu quả 1 đồng vốn cho sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mang lại lợi ích tương đương với việc đầu tư 4 đồng vốn cho phát triển nguồn cung.

Còn ở khía cạnh bảo tồn tài nguyên năng lượng, Việt Nam được coi là quốc gia có nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, đa dạng (thủy điện, than, dầu khí, gió, mặt trời…). Nhưng qua thực tế phát triển đất nước, chúng ta đã phải chuyển từ trạng thái xuất khẩu ròng năng lượng sang nhập khẩu vào năm 2015.

VNEEP3 giải quyết bài toán hiệu quả năng lượng

Vì một số nguyên nhân căn bản trên, theo TS. Phương Hoàng Kim, các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam cần thiết phải tiếp tục được thực hiện với một kế hoạch và chiến lược dài hạn có định hướng rõ ràng, nhằm loại bỏ những rào cản và kiểm soát nguy cơ phát sinh về gia tăng nhu cầu sử dụng năng lượng quốc gia.

{keywords}
Theo TS. Phương Hoàng Kim, các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Việt Nam phải tiếp tục thực hiện với một kế hoạch và chiến lược dài hạn có định hướng rõ ràng (ảnh minh họa).

Kế hoạch của Việt Nam cần giải quyết được 5 vấn đề cốt lõi: giảm áp lực đầu tư nguồn điện mới; bảo tồn nguồn tài nguyên năng lượng quốc gia; giảm cường độ năng lượng quốc gia; bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính; và đem lại lợi ích kinh tế, xã hội, xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh, hiện đại cho người dân, doanh nghiệp và cộng đồng.

Hồi tháng 7, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai Chương trình quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3). VNEEP3 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019, sau 4 năm kể từ khi kết thúc Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả 2006-2015.

VNEEP3 đặt ra 2 mục tiêu quan trọng, đặt trọng tâm vào việc cải thiện chất lượng sử dụng năng lượng tại tất cả ngành, lĩnh vực của Việt Nam, tạo tiền đề đưa ngành năng lượng Việt Nam phát triển bền vững, ổn định, phục vụ hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước.

Mục tiêu đầu tiên của VNEEP3 là tiết kiệm từ 8-10% lượng năng lượng cần thiết để phát triển đất nước theo kịch bản phát triển bình thường. Trong đó, giai đoạn 2019-2025 có yêu cầu cả nước phải tiết kiệm từ 5-7% tổng năng lượng cần thiết để phục vụ việc phát triển đất nước; giai đoạn 2026-2030 có yêu cầu tiết kiệm từ 8-10% tổng năng lượng.

Để VNEEP3 triển khai có hiệu quả, vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và đặc biệt là UBND các tỉnh đặc biệt quan trọng. Việc triển khai thực hiện VNEEP3 tại các địa phương được coi là điểm mấu chốt quyết định việc hoàn thành các mục tiêu mà chương trình quốc gia đã đề ra, theo TS. Phương Hoàng Kim nhận định.

H.A.H

USAID tài trợ 36 triệu USD hỗ trợ Việt Nam chuyển sang năng lượng sạch

USAID tài trợ 36 triệu USD hỗ trợ Việt Nam chuyển sang năng lượng sạch

Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (V-LEEP II) có mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch tại Việt Nam.