Một cuộc tranh luận giữa các nhà khoa học vừa nổ ra sau bài báo ngày 31/7 của trang El Pais tiếng Tây Ban Nha. Nội dung bài báo đề cập việc một nhóm nghiên cứu của Trung Quốc đang cố tạo ra con lai giữa người và khỉ. 

Theo El Pais, Juan Carlos Izpisua Belmonte, nhà sinh vật học gốc Tây Ban Nha, người điều hành phòng thí nghiệm tại Viện Salk ở California đã làm việc với các nhà nghiên cứu Trung Quốc để làm dự án đáng lo ngại trên.

Mục tiêu của dự án này là tạo ra con lai giữa người và khỉ để tìm kiếm nguồn nội tạng cho y học. Các cơ quan như thận, gan sẽ được tạo ra khi cấy tế bào gốc người vào phôi khỉ khi vừa thụ thai. Sau đó, những nội tạng này sẽ được thu hoạch và cấy ghép cho các bệnh nhân.

Trung Quoc dang tao ra khi mang noi tang nguoi, cung cap cho nhan loai hinh anh 1
Việc lai tạo người và khỉ để lấy nội tạng gây lo ngại tạo ra một loài động vật suy nghĩ như người. 

Trước đây, Izpisua Belmonte cũng từng thử tạo ra nội tạng người bằng việc cấy tế bào người vào phôi lợn. Tuy vậy, việc này không mang lại kết quả.

Khỉ có bộ gen gần gũi với con người hơn. Vì thế, thí nghiệm cấy tế bào người vào phôi khỉ được cho có tỉ lệ sinh tạng cao hơn. Trên thực tế, những thí nghiệm như vậy từng gây tranh cãi trong cộng đồng các nhà làm khoa học. Họ lo ngại việc sẽ xuất hiện một loài thú có khả năng suy nghĩ như người.

Để ngăn chặn việc này, các nhà khoa học sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để vô hiệu hóa sự hình thành một số loại tế bào trong phôi động vật như tuyến tụy, não...

Tại Mỹ, Viện Y tế Quốc gia cho biết họ không bao giờ chi tiền ngân sách cho các hoạt động tạo phôi hỗn hợp giữa người và khỉ. Tuy nhiên, không có quy định như vậy ở Trung Quốc. Đây có lẽ là lý do tại sao nghiên cứu trên vẫn đang diễn ra tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Theo Estrella Nunez, một nhà sinh học tại Đại học Công giáo Murcia, Tây Ban Nha, trường của cô đang tài trợ cho nghiên cứu trên. Tuy vậy, các con lai chỉ được phép sống 1-2 tuần trước khi bị hủy, chưa có bất kỳ con khỉ-người nào được sinh ra.

Trung Quoc dang tao ra khi mang noi tang nguoi, cung cap cho nhan loai hinh anh 2
Pablo Ross, một nhà nghiên cứu thú y tại Đại học California cho rằng nếu mục đích chính là lấy tạng thì lai người với lợn hiệu quả cao hơn. Điều này là do lợn có kích thước lớn và thời gian trưởng thành ngắn.

Pablo Ross, một nhà nghiên cứu thú y tại Đại học California, người trước đây đã làm việc với Salk trên con lai lợn-người nói rằng phát triển nội tạng ở khỉ là điều vô lý.

"Tôi luôn luôn nói rằng việc sử dụng linh trưởng để thu hoạch tạng là vô nghĩa. Thông thường, chúng rất nhỏ và mất quá nhiều thời gian để lớn, dẫn tới hiệu suất thấp", Ross nói.

Cuối tháng 7, một ủy ban thuộc Bộ Khoa học Nhật Bản đã ký thông qua yêu cầu của các nhà khoa học về việc phát triển tuyến tụy của con người trên động vật. Đây là lần đầu tiên chính phủ của một quốc gia cho phép việc tạo phôi động vật từ tế bào gốc của con người.

Điều này khiến nhiều người lo ngại rằng một loại động vật mang trí tuệ con người sẽ xuất hiện trong thời gian tới. Tuy vậy, nó cũng mở ra tương lai mới cho những bệnh nhân đang cần cấy ghép nội tạng.