Tới ngày 7/5, trên thế giới đã có tới 3,8 triệu người nhiễm Covid-19, hơn 265.000 người chết. Một trong những điều gây lo ngại bậc nhất là tỷ lệ những ca đã mắc bệnh nhưng không có triệu chứng khá cao.

Nếu không đi xét nghiệm, họ sẽ không biết mình bị Covid-19 và có nguy cơ gây lây lan trong cộng đồng.

Vì sao nhiều người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng bệnh?

Bệnh nhân Covid-19 điều trị tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thúy Hạnh

Các bác sĩ đưa ra sự khác biệt giữa không có triệu chứng và không có tiền triệu chứng. Ở trường hợp đầu tiên, bệnh nhân không có bất cứ dấu hiệu bệnh nào từ lúc bị phát hiện nhiễm virus tới lúc khỏi bệnh.

Ở trường hợp thứ hai, bệnh nhân không có dấu hiệu bệnh lúc xét nghiệm dương tính nhưng các biểu hiện sốt, ho, khó thở… sẽ dần xuất hiện sau đó.

Trường hợp thứ nhất khiến các bác sĩ lo ngại và thấy ngạc nhiên hơn.

Theo ông Robert Redfield, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, có khoảng 25% bệnh nhân không có triệu chứng. Với bệnh cúm, tỷ lệ này từ 5 tới 25%.

“Những người không có dấu hiệu bệnh lây nhiễm virus cho người khác là một lý do chính dẫn tới đại dịch. Thậm chí nếu bạn cảm thấy khỏe, bạn vẫn có nguy cơ lây nhiễm virus cho người khác”, Giáo sư y học và vi sinh vật học William Petri ở Đại học Virginia, khẳng định.

Hiện tại, vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng tại sao một số bệnh nhân nhiễm Covid-19 không có triệu chứng bệnh nhưng các nhà khoa học đưa ra 2 giả thuyết.

Khả năng đầu tiên là một số người có phản ứng miễn dịch bẩm sinh với virus mạnh hơn. Hệ miễn dịch bẩm sinh bao gồm hàng rào vật lý như da, niêm mạc và hàng rào tế bào giúp nhận biết và tiêu diệt những vật lạ xâm nhập vào cơ thể.

Trong khi đó hệ miễn dịch thu được gồm các kháng thể có thể nhận biết và tiêu diệt virus nCoV.

“Tôi nghĩ lý do của hiện tượng trên là hệ miễn dịch bẩm sinh của con người - lớp bảo vệ đầu tiên trong cơ thể. Đó không phải là kháng thể, không phải tế bào T (đóng vai trò trung tâm trong miễn dịch). Một số người có hệ miễn dịch bẩm sinh mạnh và có thể kiểm soát được virus”, Giáo sư Warner Greene, nhà miễn dịch học của Đại học California San Francisco, tin tưởng.

Khả năng thứ hai là một số người bị nhiễm lượng virus ít hơn. Các nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những bệnh nhân có lượng virus lớn hơn thường có các triệu chứng nặng hơn.

Tuy nhiên, giáo sư Greene không ủng hộ ý tưởng này. Ông cho rằng có nhiều yếu tố bên trong cơ thể quyết định ai sẽ ốm nặng.

Trên thực tế, các bệnh nền như tiểu đường, béo phì, hen suyễn... ảnh hưởng tới hệ miễn dịch sẽ khiến người bệnh có nguy cơ trở nặng. Những người cao tuổi cũng dễ gặp nhiều biến chứng khi hệ miễn dịch bị suy yếu.

Hiện tại, các nhà khoa học đang tìm kiếm các dấu ấn sinh học khác để nhận định một người có khả năng chống chọi với virus corona tới mức độ nào.