Điểm hội tụ trí tuệ, kinh nghiệm 2 ngành

Trong giai đoạn chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, Việt Nam đã huy động nguồn lực của toàn dân, trong đó có các tập đoàn và doanh nghiệp công nghệ của cả nước. Đại diện Cục Tin học hóa - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng, tình trạng có quá nhiều ứng dụng phòng, chống dịch được phát triển thời gian đầu đã gây ra sự bối rối cho người dân - một ví dụ điển hình của phong trào “trăm hoa đua nở” trong thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin. Tình trạng này hoàn toàn có thể tái diễn trong thời kỳ chuyển đổi số, nếu nhận thức cũng như cơ chế phối hợp giữa các cấp thực thi không đầy đủ. “Chỉ đến khi Trung tâm Công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia được thiết lập để hợp lực 2 lực lượng y tế và công nghệ thì vấn đề trên mới được giải quyết”, đại diện Cục Tin học hóa nhấn mạnh.

{keywords}
Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia được thành lập tháng 6/2021.

Tháng 6/2021, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia ra đời, quy tụ các chuyên gia đầu ngành của 2 lĩnh vực: Y tế, TT&TT, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam. Trung tâm có 2 nhóm nhiệm vụ chính: Tổng hợp dữ liệu, áp dụng các công nghệ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, phục vụ phân tích, xử lý và dự báo tình hình dịch bệnh; Hợp nhất sức mạnh của các lực lượng công nghệ, chuyên gia trong lĩnh vực y tế để hoàn thiện các giải pháp phòng chống Covid-19.

“Trung tâm có vai trò như là cái nôi để phát triển thêm nhiều giải pháp công nghệ phòng chống dịch và cũng là nơi kết nối những tri thức, kinh nghiệm quý báu của 2 lĩnh vực Y tế và Công nghệ”, đại diện Bộ TT&TT cho hay. Sau gần 4 tháng thành lập, đến tháng 10/2021, Trung tâm đã có sự tham gia chuyên trách của gần 60 công chức, viên chức nhà nước và sự cộng tác của gần 1.000 chuyên gia, lập trình viên, kỹ thuật viên đến từ các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Tại lễ ra mắt Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia hồi tháng 8/2021, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng cho biết: “Với tinh thần mang công nghệ hỗ trợ ngành y, Trung tâm đã phát triển và cung cấp các nền tảng công nghệ dùng chung, áp dụng thống nhất trên toàn quốc, đáp ứng các yêu cầu nghiệp vụ y tế trong phòng, chống dịch. Đây là các nền tảng dùng chung nên có thể triển khai nhanh trên toàn quốc. Dịch bệnh là toàn quốc, và chỉ có sử dụng nền tảng dùng chung, dữ liệu dùng chung mới giúp lực lượng y tế phản ứng nhanh, chính xác với các diễn biến của dịch”.

Với sự trợ lực của 16 doanh nghiệp, tổ chức, Trung tâm đã phát triển 14 nhóm nền tảng, công cụ công nghệ phòng, chống dịch với trên 20 ứng dụng khác nhau. Đặc biệt, Trung tâm đã xác định được 3 nền tảng bắt buộc áp dụng thống nhất toàn quốc gồm: Nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý vào ra địa điểm công cộng sử dụng mã QR, Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, Nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19. Dữ liệu từ các nền tảng được Bộ Y tế chủ trì, cung cấp quyền khai thác cho các đơn vị y tế ngành, y tế địa phương và các đơn vị có liên quan sử dụng theo quy định của Bộ Y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Công nghệ đang giúp toàn dân tham gia chống dịch

Phân tích vai trò của công nghệ chống dịch tập trung, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong phát biểu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Bộ TT&TT đã nhấn mạnh: “Trong giai đoạn dịch Covid-19, Bộ TT&TT đã tập hợp được đông đảo các doanh nghiệp và các chuyên gia, đã lập nhiều nhóm công tác, tổ làm việc để giải những bài toán cụ thể cho từng nơi, từ đó thực hiện nhân rộng”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của sự phối hợp triển khai của địa phương trong việc phát huy hiệu quả các nền tảng công nghệ, Trung tâm Công nghệ đã đề nghị các tỉnh, thành phố thành lập các Tổ công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 là bộ phận giúp việc trực tiếp cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 địa phương. Đến nay, hầu hết các địa phương đã có Tổ công nghệ Covid-19, với nòng cốt là lực lượng của 2 Sở: TT&TT, Y tế. Các Tổ công nghệ của 63 tỉnh, thành cùng với Trung tâm Công nghệ ở Trung ương đã hình thành nên mạng lưới triển khai công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 xuyên suốt từ Trung ương xuống địa phương. 

{keywords}
Trong đợt dịch thứ tư, các nền tảng công nghệ chống dịch đã dần đi vào cuộc sống (Ảnh minh họa).

Để có sự phối hợp nhịp nhàng, Trung tâm đã được tổ chức, vận hành theo mô hình tổ chức của quân đội. Cụ thể, Trung tâm được phân thành 9 quân khu, ứng với các quân khu hành chính. Theo đó, với mỗi quân khu, lực lượng nhân sự của Trung tâm kết hợp với nguồn lực ở các địa phương, triển khai thành công mô hình Tổ công nghệ ở tất cả các tỉnh, thành.

“Với cách thức tổ chức này, các lực lượng đã phối hợp với nhau nhịp nhàng hơn và có thể bám sát được từng địa phương. Mô hình đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua. Nhờ vậy, việc triển khai các ứng dụng, nền tảng công nghệ phòng chống dịch, nhất là các nền tảng công nghệ dùng chung toàn quốc đã thuận lợi, nhanh chóng hơn”, đại diện Trung tâm cho hay.

Bên cạnh sự vận hành hiệu quả của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia, các nền tảng công nghệ chống dịch đã dần đi vào cuộc sống, trong đó PC-Covid đang là ứng dụng được sử dụng thống nhất toàn quốc. Được đưa lên các kho ứng dụng Apple và Google từ ngày 30/9/2021, tính đến ngày 31/12/2021, PC-Covid đã có hơn 32,7 triệu người dùng, chiếm 34,16% dân số và 49,14% số smartphone cài đặt. PC-Covid đi vào hoạt động, liên tục được hoàn thiện và bổ sung các tính năng đã tạo thuận tiện cho người dân chủ động tham gia phòng chống dịch Covid-19. 

Tháng 6/2021, Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia đã được Bộ TT&TT thành lập, với sự tham gia của các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT và Bộ Y tế cùng các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ lớn.

Minh Tú (Bài đăng trên Bưu điện Việt Nam số Tết 2022)

Người dân đã có thể tự khai mũi tiêm trên ứng dụng PC-Covid

Người dân đã có thể tự khai mũi tiêm trên ứng dụng PC-Covid

Hiện tại cả người dùng điện thoại hệ điều hành iOS và Android đều đã có thể cập nhật phiên bản mới của ứng dụng phòng chống dịch PC-Covid có bổ sung 2 tính năng “Tự khai mũi tiêm” và “Ví giấy tờ”.