Thông tin Amazon vào Việt Nam được lan truyền rộng rãi, nhiều người lầm tưởng sắp được mua hàng thoải mái trên amazon.com như những quốc gia được hỗ trợ khác nhưng việc này chưa đúng. Các ý kiến thậm chí cho rằng Amazon nhảy vào Việt Nam sẽ cạnh tranh với các trang thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Sendo, Shopee,... hiện vẫn chưa chính xác.

Thông tin chung chung về việc Amazon thâm nhập thị trường Việt Nam đã lan truyền từ nửa cuối năm ngoái. Đến cuối tháng 9/2018, Amazon Global Selling (một bộ phận của Amazon Services LLC, công ty con của Amazon) đồng tổ chức với Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam sự kiện “Bán hàng toàn cầu trên Amazon”. Cho tới thời điểm đó, thông tin Amazon vào Việt Nam thực chất chính là Amazon Global Selling tổ chức các chương trình nhằm hỗ trợ người Việt, doanh nghiệp Việt bán hàng ra nước ngoài trên các trang của Amazon.

Hội thảo "Bán hàng toàn cầu với Amazon" được tổ chức tại TP.HCM hôm 27/9 - Ảnh: H.Đ

Đến ngày 14/1, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) công bố hợp tác với Amazon Global Selling để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.

“Cho đến nay, Amazon Global Selling đã làm được việc là dùng ngôn ngữ tiếng Việt cho trang hướng dẫn bán hàng của họ, đồng thời có các chương trình đào tạo cho doanh nghiệp Việt Nam về thương mại điện tử, kỹ năng bán hàng toàn cầu”, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch VECOM nói với ICTnews.

Cho đến thời điểm hiện tại, dựa vào các thông tin có thể thấy Amazon Global Selling hỗ trợ người bán tại Việt Nam đưa hàng lên các trang của Amazon không liên quan đến việc trang thương mại điện tử amazon.com vào Việt Nam, hỗ trợ người mua hàng tại Việt Nam.

Cho đến thời điểm hiện tại, Amazon chưa có bất kỳ hỗ trợ chính thức nào cho người mua hàng tại Việt Nam, ngoài các chính sách hiện hành. Chẳng hạn, vô số món hàng bị hạn chế không vận chuyển về Việt Nam, trong khi hàng có thể chuyển về hơn 100 quốc gia khác.

Cụ thể, bộ phận AmazonGlobal chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hoá của người mua đi khắp toàn cầu. Trong danh sách hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ hỗ trợ không có tên Việt Nam. Các quốc gia Đông Nam Á nằm trong danh sách hỗ trợ có Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore, Campuchia.

Ngay cả đối với 100 quốc gia và vùng lãnh thổ được đề cập ở trên, một số hàng hoá có thể không được vận chuyển đến, và tất nhiên giá vận chuyển sẽ khác nhau.

Ngoài danh sách kể trên, Amazon xác định nhiều thị trường trọng điểm và có hẳn website dành cho thị trường đó. Vì thế, ngoài amazon.com, còn có các website như amazon.cn (cho thị trường Trung Quốc), amazon.jp (Nhật), amazon.sg (Singapore), amazon.id (Ấn Độ) và nhiều quốc gia châu Mỹ, châu Âu khác. Tất nhiên danh sách này vẫn không có Việt Nam.

Khi truy cập amazon.com, hệ thống sẽ tự động lọc các món hàng có vận chuyển về Việt Nam. Khi thử tìm kiếm trong gian hàng Máy tính hay nhiều gian hàng khác, số lượng hiển thị vô cùng ít ỏi so với khối lượng hàng hoá khổng lồ của trang thương mại điện tử lớn nhất hành tinh xét về doanh thu. Hầu hết các món hàng đều được ghi “không vận chuyển về Việt Nam”.

Khi truy cập amazon.com, vào mục Máy tính > Máy tính và máy tính bảng thì chỉ có đúng 2 món hàng có thể vận chuyển về Việt Nam - Ảnh chụp màn hình.

Như vậy, bước đầu Amazon chỉ mới hỗ trợ doanh nghiệp từ Việt Nam trong việc bán hàng hoá ra quốc tế, cũng là cách để Amazon đa dạng hàng hoá thu hút thêm khách hàng và tăng doanh thu. Cho đến hiện tại, chưa có thông tin trang thương mại điện tử amazon.com sẽ “vào” Việt Nam.

Hiện tại, người dùng Việt có các lựa chọn mua hàng trên các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo,... Trong đó 3 tên tuổi đầu tiên đã hỗ trợ mua hàng xuyên biên giới, chủ yếu mua hàng từ doanh nghiệp Trung Quốc.

Nếu muốn mua hàng trên Amazon hiện nay có thể chọn các món hàng được phép vận chuyển về Việt Nam, hoặc nhờ người thân ở các quốc gia có hỗ trợ mua hàng, sau đó gửi dạng cá nhân về Việt Nam, ha dùng các dịch vụ mua hàng giúp vốn đang nở rộ trong nước.