Uber chẳng xa lạ với những rắc rối nhưng có thể bạn không biết, từ cách đây 2 năm, công ty này đã sa vào một rắc rối rất lớn. Theo tờ New York Times, CEO Apple, Tim Cook, từng gặp trực tiếp CEO Uber, Travis Kalanick, hồi đầu năm 2015 và đe dọa sẽ xóa ứng dụng của Uber ra khỏi App Store sau khi phát hiện ra rằng Uber không chỉ vi phạm hướng dẫn về quyền riêng tư của ứng dụng iOS mà còn cố gắng che đậy hành vi đó.

Cụ thể, nền tảng chia sẻ phương tiện này đã “nhúng” cho mỗi chiếc iPhone một loại định danh vĩnh viễn để tránh lái xe tạo ra các tài khoản giả và nhận những chuyến đi từ các khách hàng không có thật. Định danh này sẽ tồn tại kể cả sau khi ứng dụng đã bị xóa hoặc chiếc điện thoại bị xóa sạch dữ liệu. Mặc dù điều này giúp lái xe không thể gian dối, nhưng nó rõ ràng vi phạm vào các điều khoản về quyền riêng tư và mọi chuyện còn tệ hơn khi Uber cố gắng che đậy hành vi này khỏi sự giám sát của những người quản lý App Store.

Theo báo cáo, CEO Kalanick đã yêu cầu các nhân viên “làm nhiễu” mã vân tay của ứng dụng Uber của bất cứ ai làm việc tại trụ sở hiện tại của Apple ở Cupertino. Thế nên theo những gì nhân viên của Apple nhận thấy thì đây là một doanh nghiệp làm ăn bình thường. Tuy nhiên, chiêu trò này không bền lâu. Các nhân viên Apple bên ngoài trụ sở cuối cùng đã phát hiện ra những hành vi mờ ám, dẫn đến cuộc gặp gỡ giữa hai vị CEO. Cách thức này không phổ biến đối với Uber (gần đây công ty đã thú nhận hãng thường sử dụng các công nghệ dựa trên địa điểm để đánh lừa các nhà quản lý), thế nhưng nó khiến Uber có nguy cơ bị xóa khỏi App Store và mất đi hàng triệu khách hàng.

Apple không đưa ra bình luận về cuộc gặp gỡ này. Còn phía Uber, khi trao đổi với phóng viên trang Engadget thì cho rằng các nhân viên của hãng “hoàn toàn không” theo dõi người dùng sau khi họ đã xóa ứng dụng. Hiện tại, Uber phát hiện ra các hành vi giả mạo bằng cách theo dõi xem tài khoản nào bị cắm cờ (có địa chỉ IP và GPS bất thường) và các phương pháp không được tiết lộ. Công ty cũng cho biết các dấu vây tay là “một cách điển hình” để tránh mọi người không sử dụng những chiếc điện thoại đánh cắp để thoải mái gọi xe và khiến người khác phải trả tiền. Theo trang Engadget thì dù có giải thích như vậy cũng không thể chối bỏ một điều rằng Uber sẵn sàng phá luật vì mục đích tiền bạc và thậm chí kể cả trên danh nghĩa là muốn tránh giả mạo.

Uber cho biết:

“Chúng tôi hoàn toàn không theo dõi người dùng hay vị trí của họ nếu họ đã xóa ứng dụng. Bài viết trên New York Times chỉ phản ánh được nửa bên kia của vấn đề, đây là một cách điển hình để tránh những kẻ lừa đảo tải Uber vào một chiếc điện thoại đánh cắp, dùng một thẻ tín dụng đánh cắp, đi những chuyến xe đắt tiền sau đó xóa sạch chiếc điện thoại và làm lại những bước trên. Kỹ thuật tương tự cũng sẽ được sử dụng để phát hiện và chặn những lần đăng nhập gây nghi ngờ nhằm bảo vệ tài khoản của người dùng. Có khả năng nhận ra các hành vi xấu khi chúng cố gắng quay lại mạng lưới của chúng tôi là một biện pháp an ninh quan trọng cho cả Uber và người dùng”.