Thị trường F&B (đồ ăn thức uống) của Việt Nam trong những năm trở lại đây chứng kiến sự nở rộ của ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến cùng sự tham gia của nhiều ông lớn trong lĩnh vực công nghệ.

Theo kết quả nghiên cứu mới được Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM công bố , 99% người tham gia khảo sát sử dụng các dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến ít nhất 2-3 lần/ tháng. Đáng chú ý, có đến 39% đặt món với tần suất 2-3 lần/ tuần.

Những con số trên đã được chứng minh rõ bằng hình ảnh các tài xế giao hàng đứng dày đặc ở các hàng quán mỗi ngày, đặc biệt vào những ngày thời tiết nắng nóng hay mưa to khiến các thực khách "lười" ra đường.

"Đường dài hóa ngắn" nhờ bắt tay với ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến

Các bác tài công nghệ luôn thay phiên nhau xuất hiện tại quán cơm gà 110.

Chị Trần Đặng Phương Thảo (32 tuổi) - chủ quán Cơm gà 110 ở Quận 8 chia sẻ về câu chuyện của mình: “Quán nhỏ của chị nằm trong hẻm, diện tích cũng không nhiều, nên trước kia doanh thu cũng lẹt đẹt, mỗi ngày khoảng 2-3 triệu đồng. Nhờ trước đây chị có đi GoViet rồi biết đến có ứng dụng đặt đồ ăn nên chị mới biết đường mà ký hợp đồng đối tác với công ty hồi tháng 8.

Từ ngày đó, khách đặt hàng cứ đông dần, tấp nập lắm, doanh thu có những ngày tăng hơn gấp 8 lần”. Trung bình, doanh thu cửa hàng chị Thảo mỗi tháng lên tới 120 triệu đồng, tăng gấp đôi chỉ trong vòng hơn ba tháng.

Không những giúp doanh thu tăng trưởng vượt bậc, việc hợp tác với các ứng dụng đặt món, giao hàng nhanh còn tiết kiệm cho các chủ quán một con số đáng kể tiền thuê nhân viên, mặt bằng. Tính sơ sơ, chỉ riêng tiền thuê một mặt bằng kinh doanh mức khá ở trung tâm thành phố Hồ Chí Minh đã lên tới 17-18 triệu/ tháng, cộng thêm hơn 30triệu/ tháng tiền thuê 5-6 nhân viên. Nhưng đối với “mặt trận” giao nhận đồ ăn trực tuyến, tốc độ giao hàng, giá cả và chất lượng món ăn mới là yếu tố then chốt.

Chủ kinh doanh hoàn toàn có thể bỏ qua việc đầu tư quá nhiều vào địa điểm và nhân viên phục vụ, tiết kiệm ít nhất ⅔ chi phí so với trước đó, do đó có thể tập trung nguồn lực đầu tư vào chất lượng và sự đa dạng món ăn.

Vô tình hay hữu ý, các tài xế công nghệ - những người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng và chủ quán - dần trở thành “nhà tư vấn kinh doanh” không chuyên nhưng vô cùng nhạy bén. Như trường hợp của quán Cơm gà 110, chị Thảo đã được chính các bác tài xế GoViet gợi ý nên thêm vào thực đơn các món ăn như gà chiên mắm tỏi, nước giải khát thì nên có nước sâm, v.v… những món này sau lại trở thành những món đắt khách nhất của quán.

Nhờ những phản hồi “nhanh-gọn-lẹ” từ các bác tài mà chủ các quán ăn luôn có sự thay đổi nhanh chóng và cải thiện mỗi ngày

Không chỉ có vậy, các tài xế còn giúp chủ quán nắm bắt được phản hồi của khách hàng một cách “nhanh-gọn-lẹ” nhất. Chị Thảo cho hay: “Nhiều khi khách đặt xong, tài xế về phản ánh khách khen cơm rẻ và ngon. Mình cũng dần dần nắm trong tay danh sách những khách hàng quen, tài xế quen. Với khách quen, mình hiểu ý phục vụ, từ đó càng làm khách hài lòng. Nhiều

Hái ra tiền từ ứng dụng giao đồ ăn trực tuyến - dễ hay khó?

Quả thật, việc kinh doanh ăn uống thời đại 4.0 chưa bao giờ dễ dàng hơn thế. Thế nhưng không phải chỉ cần một cái tên, một danh sách món ăn rồi đăng trên mạng là sẽ kiếm được tiền. Việc quán ăn có thể “ăn nên làm ra” hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố.

Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để hàng quán của bạn có thể được lựa chọn nhiều hơn đó là một tên gọi thật nổi bật. Công thức phổ biến thường là tên món + tên riêng của quán, để khi người dùng gõ tên món ăn, quán của bạn có thể hiện lên đầu trong phần kết quả tìm kiếm.

Ngoài ra, hình ảnh cũng là một phần mà hàng quán nên đầu tư chăm chút nếu muốn thương hiệu của mình thu hút khách qua ứng dụng. Với hàng ngàn lựa chọn chỉ với một cú lướt tay, khách hàng sẽ thường sẽ bị hấp dẫn hơn bởi những món ăn đẹp. Việc đầu tư hình ảnh minh họa bắt mắt thực tế có thể tác động không nhỏ đến số lượng đơn hàng và lợi nhuận. Bởi thế nên hầu hết các ứng dụng giao thức ăn hiện nay đều hỗ trợ hàng quán “thay áo” thực đơn cho thu hút hơn hoặc tư vấn các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.

Cho đi để nhận lại nhiều hơn là bí kíp nhỏ cuối cùng chị Thảo chia sẻ về thành công của quán Cơm gà 110. “Nhiều khi mấy anh tài xế đi giao cơm mà gặp mấy khách điện thoại không liên hệ được này kia rồi bị hủy đơn, mình cũng bảo mấy anh là nếu hàng không giao được thì cứ đem về đây em bán rẻ lại cho khách đồng ý hỗ trợ, không sao đâu. Chứ không lẽ để mấy ông ấy ôm rồi để đâu, đi một cuốc được có mười mấy ngàn mà ăn chén cơm mấy chục ngàn thì cũng xót lắm.”

Câu chuyện thành công của quán Cơm gà 110 không phải là số hiếm trong bối cảnh nở rộ của thị trường giao đồ ăn trực tuyến. Doanh thu khủng cùng vô số lợi ích khi "bắt tay" với các ứng dụng giao đồ ăn đang thu hút sự quan tâm của không ít đơn vị kinh doanh ăn uống lớn nhỏ. Riêng trên nền tảng GoFood của GoViet hiện đã có tới 80 nghìn nhà hàng lớn, vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tổng số món ăn lên tới đơn vị triệu món. Điều này hứa hẹn tạo nên sức hấp dẫn sôi động cũng như sự phát triển đa dạng cho thị trường F&B tại Việt Nam trong thời gian tới.