Thông tin nêu trên vừa được đại diện truyền thông của BKAV chia sẻ với ICTnews.

Tập đoàn công nghệ BKAV tham gia sản xuất smartphone từ năm 2010 và chính thức cho ra đời mẫu điện thoại đầu tiên năm 2015 với thương hiệu Bphone được định vị ở phân khúc cao cấp, đến thời điểm hiện tại khi chuẩn bị cho ra mắt Bphone thế hệ thứ tư, đại diện truyền thông của BKAV cho biết, Bphone 4 sẽ có nhiều phiên bản ở nhiều phân khúc khác nhau.

Thông tin từ BKAV cũng cho biết, hiện nay nhà sản xuất này đã làm chủ công nghệ lõi, do đó có thể tối ưu giá được cho những sản phẩm smartphone có giá khoảng 40 - 50 USD. “Nếu có lượng sản xuất lớn cùng sự trợ giá của các nhà mạng, nhà cung cấp ứng dụng thì việc phổ cập smartphone giá 500.000 đồng tới 100% dân số là có thể thực hiện được”, đại diện truyền thông BKAV nêu ý kiến.

Trước đó, định hướng phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số đã được người đứng đầu Bộ TT&TT chia sẻ trong phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2020 của ngành TT&TT.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Steve Jobs nói “Cái chết là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống”. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại để alo. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh, và sẵn sàng cho công dân điện tử”.

Mới đây, tại hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý I/2020 của Bộ TT&TT, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã cho biết, cùng với chủ trương tắt sóng 2G, Bộ TT&TT sẽ thúc đẩy việc sản xuất ra những chiếc smartphone Việt Nam với giá bán chỉ 500.000 đồng để phổ cập tới tất cả người dùng di động.

Theo đó, lần đầu tiên Việt Nam sẽ có chương trình phổ cập điện thoại thông minh tới 100% dân số. Điều này được thực hiện thông qua việc sản xuất những chiếc điện thoại thông minh Việt Nam với giá chỉ 45-50USD.

Bên cạnh đó, nhà mạng sẽ bù giá 10 USD, các nhà phát triển ứng dụng cài sẵn trên máy hỗ trợ 1 USD/ứng dụng. Với chủ trương có khoảng 10 ứng dụng cơ bản, điều này sẽ giúp giảm bớt giá thành sản phẩm thêm khoảng 10 USD.

Cộng với việc trợ giá từ nhà sản xuất, giá bán những chiếc smartphone Việt đến tay người dân chỉ còn khoảng 20 USD, tức là chưa đến 500.000 đồng. Khi 100% người dân sử dụng smartphone, điều này sẽ rất thuận lợi cho việc triển khai chính phủ điện tử.