Su-ky.jpg
Những cuốn giáo trình do chính TS Quách Tuấn Ngọc viết, khởi thuỷ soạn bằng ngay BKED

Tôi có hai kỷ niệm gắn với BKED. Một là lần đầu tiên tôi dùng BKED để soạn giáo trình của mình. Hai là khi BKED được sử dụng để soạn văn bản kết luận hội nghị ở Bộ GD&ĐT cuối năm 1989.

Trước đó, mỗi lần Bộ họp, văn bản kết luận thường được đánh máy, in giấy pơ -luya đen sì, phải đánh, sửa nhiều lần và phải 5 ngày sau khi hội nghị kết thúc thì mới hoàn thiện xong bản đánh máy kết luận. Nhưng từ khi lãnh đạo Bộ cho chuyển sang soạn thảo văn bản bằng máy tính cài phần mềm BKED, hội nghị kết thúc vào 5 giờ chiều thì đồng thời văn bản kết luận hội nghị cũng được in ra luôn, rõ hơn, đẹp hơn. GS. TSKH Lâm Quang Thiệp, Vụ trưởng Vụ Đại học là một trong những người sử dụng BKED đầu tiên ở Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp. ông Thiệp rất thích và thường xuyên xuống phòng làm việc của tôi ở tầng 4-C9 ĐHBK -HN để in giấy nến roneo. Cuối 1989, ông Thiệp còn mời tôi đến báo cáo trong một hội nghị hiệu trưởng đại học tại Bộ để phổ biến, giới thiệu. Kể từ đó trong các trường đại học nổi lên phong trào sử dụng BKED để soạn giáo trình, soạn luận án tốt nghiệp, luận án tiến sĩ. Đến 1997, tôi đề xuất chuyển chế bản in đề thi tốt nghiệp THPT bằng BKED về các tỉnh để giảm tải, giảm gánh nặng cho Vụ Phổ thông. Tôi chịu trách nhiệm mã hoá bảo mật đề thi. Cũng kể từ đó, mô hình in đề thi được phân tải xuống các Sở hoạt động cho đến bây giờ. Các bạn có thể tưởng tượng trước đó, mỗi khi kỳ thi đến, các chuyên viên của Vụ Phổ thông quần đùi áo may ô in đề thi bằng máy in roneo và đóng bao tải đề thi ở ngay cả bên hành lang tầng 3 nhà C của Bộ GD &ĐT bây giờ.

 “Thương mại hoá” BKED

Tôi có thể tự hào mà nói rằng so với các phần mềm soạn thảo văn bản thời đó thì BKED là phần mềm duy nhất chạy được trên tất cả các loại màn hình lại gõ được công thức, kẻ được biểu bảng và đặc biệt có thể tự động kiểm tra lỗi chính tả tiếng Việt. Sau này tôi cũng đưa vào BKED cách bỏ dấu thanh tiếng Việt trong các cặp nguyên âm oa, oe và uy là hoà, hoè, thuỷ. Mọi người lúc đó thấy lạ mắt, nhiều người phản đối song tôi lại được Hội Ngôn ngữ học và Viện Ngôn ngữ học ủng hộ. Năm 1992, GS Hoàng Phê, Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học, tác giả biên soạn các cuốn từ điển tiếng Việt, quyết định bắt đầu sử dụng BKED để soạn lại từ điển với cách đánh dấu thanh mới. Rồi cách sắp xếp trật tự tiếng Việt theo vần cũng được đưa vào. BKED lại còn khá gọn nhẹ, dung lượng chỉ khoảng 200KB nên người dùng chỉ cần lưu trong một đĩa mềm có dung lượng 1, 4 MB là có thể mang theo để sử dụng ở bất cứ đâu. Đây có lẽ là những lý do đưa đến thành công của BKED. Ra đời không bao lâu, phần mềm BKED đã dần chiếm ưu thế và giữ vị trí của phần mềm soạn thảo và xử lý văn bản tiếng Việt thông dụng nhất suốt từ khoảng 1988 đến tận năm 1995, và vẫn được dùng “lai rai” sau đó. Trong khoảng thời gian đó, BKED được các cá nhân, tổ chức sử dụng rộng rãi. Các trường học còn đưa BKED vào chương trình giảng dạy tin học. Thuật ngữ “Tin học 3 món” gồm DOS, BKED và PASCAL phổ biến ở Việt Nam lúc đó thì tôi có vinh dự góp 2 sản phẩm: BKED và giáo trình PASCAL. Nhà xuất bản Giáo dục và nhiều báo dùng phần mềm BKED để nhập bài vì nó nhanh và tiện.

Song BKED nổi tiếng vì nó còn là phần mềm mang tính chất thương mại đầu tiên. Hồi vừa hoàn thành phiên bản đầu tiên của BKED, tôi mang BKED theo để giới thiệu tới tất cả người quen. Đến lúc mọi người sử dụng thấy thích thì họ gặp tôi đặt vấn đề mua phần mềm. Khi tôi đem bán hoặc cho mọi người dùng thử, tôi vẫn giữ lại “chìa khoá” của BKED. Ngày ấy, mỗi bản BKED được tôi bán với giá 1, 5 triệu đồng nhưng rất đắt hàng, có rất nhiều cá nhân, tổ chức tìm đến mua. Các Bộ ngành đều thích dùng và mua như Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính, Bộ Lâm nghiệp, Bộ KHCN… Bên cạnh đó, các tài liệu, sách hướng dẫn sử dụng các phiên bản của BKED do tôi biên soạn được in hàng loạt, sơ sơ cũng đã có hơn 120.000 cuốn tài liệu hướng dẫn sử dụng BKED được tiêu thụ. Rõ ràng, nếu xét ở góc độ thương mại, BKED là thành công đầu tiên của phần mềm tại Việt Nam theo nghĩa được người dùng tôn trọng bản quyền, mua cho nhiều máy một lúc.

Tôi chăm sóc khá kỹ các khách hàng và luôn luôn tiếp thu những phản hồi của khách hàng để sửa lỗi, hoàn chỉnh BKED. Nguyên tắc chỉnh sửa của BKED là mỗi khi khách hàng vướng mắc, khó khăn trong quá trình sử dụng, hoặc phát hiện ra lỗi của chương trình thì họ có thể liên hệ để trao đổi trực tiếp với tôi và đưa lại cho khách hàng bản mới đã sửa lỗi ngay trong ngày hôm sau. Phiên bản cuối cùng là BKED 6.2b ra đời tháng 5/1995.

Như vậy, BKED được sử dụng rộng rãi trong khoảng 8-10 năm, có thể nói với phần mềm Việt Nam thời đó, BKED được liệt vào dạng “sống dai”. Đó là vì đến 1995, phần cứng máy tính ở Việt Nam đã lên cao hơn, tốc độ máy tính tăng, màn hình cũng được nâng cấp hơn, và phần mềm Windows 3.1 và MS Word bắt đầu phổ biến.

BKED nghỉ sau 8 năm phát triển, 10 năm được sử dụng nhưng cuốn Ngôn ngữ lập trình PASCAL và các cuốn giáo trình khác được soạn từ ngày đó trên BKED, thì cho đến nay sau 20 năm vẫn tồn tại và được nhiều người thích học. Cả hai loại sản phẩm của tôi, phần mềm và sách đều có một đặc điểm chung: đơn giản, dễ dùng và dễ hiểu. Có thể nói điều đó đã góp phần vào thành công của công trình!

Ghi theo lời kể của TS. Quách Tuấn Ngọc

Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 121 ra ngày 8/12/2008